Không ít cặp vợ chồng trì hoãn việc sinh con để ưu tiên việc ổn định gia cảnh, sự nghiệp… Tuy nhiên khi nào là thời điểm thích hợp để bắt đầu nghĩ tới “những đứa trẻ”, hãy phân tích một cách toàn diện điều kiện gia đình dựa trên 4 yếu tố chính: Sức khỏe, tài chính, thời gian và mối quan hệ.
Nhiều người cho rằng, độ tuổi 20-24 rất thích hợp để sinh con. Ở độ tuổi này, tỉ lệ sảy thai thấp (khoảng 9,5%), bé sinh ra cũng khó mắc bệnh tật. Trong khi đó, khả năng sinh sản của phụ nữ từ 30-34 tuổi bắt đầu suy giảm, tỉ lệ sảy thai cao hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng nào cho thấy độ tuổi tốt nhất để mang thai áp dụng với tất cả phụ nữ. Thực chất, việc có con còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, sức khỏe…chứ không đơn thuần là độ tuổi của người mẹ như một số ý kiến đã đưa.
Cô N.T.Bên, trú tại Hải Phòng, hiện đang sinh sống ở Praha (Cộng hòa Czech) sinh con ở tuổi 43. Do bận làm ăn, vợ chồng thường xuyên phải xa nhau nên đến tuổi tứ tuần mà cô mới hạ sinh một đứa con gái. Gia đình khá giả, điều kiện tốt nên bé gái sinh ra rất kháu khỉnh, không đau ốm, thậm chí trông còn phổng phao hơn những em gái cùng lứa. Cô cho biết, khi mang bầu, cô không gặp vấn đề gì về sức khỏe, ăn tốt, ngủ tốt.
Trái lại, chị Mai Anh, trú tại phường Quang Trung, quận Hà đông lấy chồng sinh con năm 22 tuổi. Chị vốn có sức khỏe tốt, độ tuổi mang thai cũng được liệt vào hàng tối ưu. Nhưng bé gái sinh ra lại hay bị ốm đau, da vàng vọt, xanh xao. Nguyên nhân có thể là do người mẹ chưa chuẩn bị tốt về mặt tinh thần cũng như vật chất để chăm sóc và nuôi dưỡng con.
Vì vậy, khi quyết định có em bé, hãy xem xét những vấn đề sau:
1. Sức khỏe
Sức khỏe của người mẹ luôn luôn được đặt lên hàng đầu vì nó quyết định sức khỏe của thai nhi cũng như đứa bé sau khi chào đời. Phụ nữ khi mang thai cần tránh làm việc, hoạt động mạnh vì những điều này thường là nguyên nhân chính của các vụ động thai, sảy thai.
Đặc biệt, nên bổ sung nhiều loại thức ăn có chứa các vitamin thiết yếu trong thực đơn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe cho cả sản phụ lẫn thai nhi.
2. Tài chính
Sinh ra và nuôi nấng một đứa con không phải là điều đơn giản, đặc biệt trong thời bão giá như hiện nay.
Gặp anh T. Liên (Vạn phúc, Hà đông) đi mua sữa cho con ở siêu thị Vinatex vào một buổi trưa mùa hè nóng nực. Do lạm phát, giá cả các mặt hàng bám đuôi nhau tăng vọt.Vợ chồng anh Liên từ quê lên đây lao động, hoàn cảnh rất khó khăn lại phải lo cho đứa con trai 8 tháng tuổi nên càng thêm vất vả. Vợ ở nhà chăm con nên anh nhận nhiệm vụ đi mua sữa. Đứng lân la ở quầy sữa, anh xem hết loại này đến loại khác, anh cho biết, muốn chọn loại nào tốt nhưng hợp túi tiền thì mới dám mua.
Đó là một ví dụ điển hình mà các cặp vợ chồng nghèo thường gặp phải khi nuôi con. Cho nên, cân nhắc kĩ lưỡng về tài chính khi quyết định đón nhận thành viên thứ 3 là điều cần thiết.
3. Thời gian
Dân gian có câu “mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày”, đó thực sự là khoảng thời gian vất vả nhưng cũng hạnh phúc nhất của người mẹ. Điều cần thiết trong khoảng thời gian này là các mẹ nên hạn chế công việc, thư giãn đầu óc.
Bác Hạnh Hoa (phường Yết Kiêu, Hà đông) làm kế toán tại một công ty nước ngoài. Trong thời kì mang thai, do bận rộn công việc, bác Hoa không dành thời gian chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi nên tâm lí luôn ở trong tình trạng bị áp lực. Điều này có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thai nhi.
4. Mối quan hệ giữa cha mẹ
Đừng vì một lần bất cẩn mà sinh con. Có nhiều bậc cha mẹ chưa muốn sinh con với nhiều lí do khác nhau. Nhưng có thể vì một lần “bất cẩn”, đứa bé được ra đời. Chưa chuẩn bị tâm lí làm cha, làm mẹ, thiếu hiểu biết trong việc chăm sóc bản thân khi mang thai cũng như con cái sau khi sinh v.v. khiến họ xảy ra xích mích. Người mẹ có thể vì thế mà trở nên u uất gây ảnh hưởng trầm trọng tới đứa trẻ.
Hãy nhớ, sinh con là chuyện của cả hai, vợ chồng nên nói chuyện, tâm sự với nhau về vấn đề này để chuẩn bị sẵn sàng tâm lí trở thành những ông bố, bà mẹ tốt .
Hội tụ đầy đủ các yếu tố trên, các bậc cha mẹ đã tạo cho con cưng nhà mình điều kiện tốt nhất khi chào đời bất chấp tuổi tác là bao nhiêu.