Khoai tây là loại củ giàu tinh bột và ở các nước phương Tây thì nó được ăn như người Việt ăn cơm hàng ngày. Tuy nhiên nếu bạn mua khoai tây và để nó mọc mầm thì không nên tiếc rẻ mà giữ lại trong nhà bởi bạn có thể nhiễm chất độc solanine đó.
Thông thường, một số loại rau củ tự nhiên có thể tạo ra chất đề kháng nhằm chống lại nấm và sâu bệnh, đây là một phản ứng tự về tự nhiên. Khi khoai tây mọc mầm hay xanh hóa do bảo quản không đúng cách như bị quá sáng, quá nóng cũng là lúc nó tiết ra nhiều chất độc solanine nhằm tự bảo vệ, các chất này tập trung ở phần vỏ, phần thịt sát vỏ củ, đặc biệt ở phần chân mầm, ở lớp vỏ xanh phía ngoài làm cho khoai tây bị đắng và độc đến mức không dùng được.
Nếu bạn ăn những củ khoai tây đã mọc mầm, nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao, biểu hiện trúng độc là: Cổ họng khô, đầu lưỡi tê bì, khó thở, nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, chóng mặt, hoa mắt… Nếu trúng độc mạnh thì nhiệt độ trong người lên cao, thần trí hôn mê, co giật, hô hấp tê liệt có thể dẫn đến tử vong.
Để tránh nguy cơ ngộ độc solanine từ khoai tây, bạn có thể lưu ý một chút về cách chế biến. Theo các chuyên gia, để loại bỏ các chất độc tự nhiên này cần chú ý đến các đặc điểm của rau củ. Cụ thể, phần lớn chất solanin có trong khoai sẽ bị loại khi gọt vỏ kỹ, dày. Ngoài ra, chất solanine có đặc tính tan trong nước, vì thế cần ngâm nước cho thêm mấy hạt muối trước khi chế biến khoảng vài giờ để loại bỏ chất độc.