Bạn và ông xã đang tính có em bé vào sang năm, nhưng bạn cũng đang băn khoăn rằng liệu mình phải chuẩn bị những gì, nhất là về mặt sức khỏe. Theo các chuyên gia thì bạn nên dành 6 tháng chuẩn bị trước khi thụ thai, đây là thời gian đủ để bạn có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Khám sức khỏe
Đa số người Việt rất ngại khám sức khỏe hay đi gặp bác sĩ bởi họ luôn “cảm thấy” mình khỏe mạnh. Thói quen tự điều trị khi bệnh còn nhẹ đã khiến cho các nguy cơ không được tầm soát kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho em bé của bạn, việc đi khám sức khỏe là rất cần thiết, điều này không chỉ giúp cho bạn nắm được trạng thái thực của mình mà còn giúp bạn phát hiện những nguy cơ bệnh có thể gây dị tật thai nhi. Chẳng hạn nếu bạn chưa có kháng thể Rubella thì việc khám sức khỏe trước khi mang thai là rất cần thiết bởi nguy cơ phải bỏ thai do Rubella ngày càng tăng cao.
Một lợi ích khác là việc khám sức khỏe cũng là cơ hội để bạn biết chắc chắn các chỉ số cơ thể, ví dụ qua chỉ số BMI bạn có thể biết là bạn béo quá hay gầy quá. 6 tháng tiếp theo đủ để bạn có sự tăng cân hoặc ép cân 1 cách hợp lý trước khi bước vào giai đoạn bầu bí. Hãy nhớ rằng nếu mẹ quá gầy thì thai nhi sẽ khó phát triển tốt và bạn có thể thiếu sữa. Ngược lại nếu quá béo thì các nguy cơ bệnh tiểu đường, tiền sản giật hay bệnh tim mạch sẽ tăng cao…
Tiêm phòng bệnh
Rất nhiều phụ nữ mang thai đã phải hối hận vì không có sự nhìn nhận đúng đắn về nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm. Hãy nên nhớ rằng nếu bạn không có sự phòng thủ kỹ càng, nguy cơ đối với thai nhi sẽ tăng rất cao. Để biết được bạn phải tiêm phòng những gì, hãy giữ kết quả khám sức khỏe tổng thể của bạn và lập danh sách các bệnh cần tiêm để có kế hoạch phù hợp. Các bệnh quen thuộc đó là: Rubella, Thủy đậu, Sởi, Quai bị, Cúm, Viêm gan B… Đây đều là những bệnh vô cùng nguy hiểm cho bé yêu của bạn khi còn ở trong bụng mẹ.
Chuẩn bị dinh dưỡng
Dinh dưỡng rất quan trọng đối với thai kỳ, chính vì vậy bạn phải có sự chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Hãy xem lại chế độ ăn của bạn xem có đủ chất không, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có bị thiếu canxi, thiếu máu, thiếu vitamin… hay không vì như vậy bạn có thể điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng của bạn. Hãy loại bỏ các tác nhân gây hại khỏi đời sống hàng ngày của bạn như thuốc lá, bia rượu, cafe… Nếu ông xã bạn hút thuốc, hãy yêu cầu không hút khi có bạn ở gần và tránh để khói thuốc ở quanh bạn.
Hãy bắt đầu bổ sung các loại vitamin, sắt, axit folic, canxi… trước 1-3 tháng để bảo đảm bạn có lượng vi chất dồi dào, em bé sẽ lấy phần lớn lượng vi chất đó của bạn để phát triển.
Và còn những gì khác?
– Hãy dừng uống thuốc tránh thai hoặc tháo vòng trước khoảng 4 tháng và chuyển qua biện pháp dùng bao cao su
– Hãy tẩy giun trước 2-3 tháng để bảo đảm bạn “sạch sẽ”
– Hãy đi khám phụ khoa để bảo đảm bạn không bị viêm nhiễm gì trước khi mang thai
– Hãy tự chăm sóc mình tốt hơn, tránh các việc nặng nhọc, tránh thức khuya dậy sớm, tránh tham công tiếc việc và đặc biệt là hãy giữ tinh thần sảng khoái cho tới khi thụ thai cũng như toàn bộ thai kỳ.