Clive Spence-Jones, một trong các bác sĩ sản khoa hàng đầu tại Anh vừa đã cho rằng sinh mổ không nguy hiểm hơn sinh thường và mọi phụ nữ có quyền chọn cách sinh nở, dù đó là phương pháp gì đi nữa.
Một trường hợp điển hình gần đây nhất là Victoria Beckham, khi cô dự kiến sinh mổ lần thứ tư vào tháng tới. Trước sự kiện này, một số chuyên gia cảnh báo rằng những phụ nữ đẻ mổ nhiều lần đang đẩy sự sống của họ vào vòng nguy hiểm.
Tuy nhiên, Spence-Jones cho rằng điều này không đến mức như vậy, có thể dẫn tới hiểu lầm và chẳng giúp gì cho phụ nữ trong việc hiểu rõ hơn về sự thật một ca sinh nở.
Thực tế là, tất cả các kiểu sinh đều có nguy cơ, dù là bằng phương pháp mổ đẻ hay sinh tự nhiên. Chẳng hạn, cứ 3 phụ nữ sinh thường thì có một người sẽ bị són tiểu, do cơ xương chậu yếu.
Với sinh mổ, nguy cơ cũng vẫn có. Thường đó là vì một ca mổ bụng lớn, nhưng với kỹ thuật được lựa chọn như trong trường hợp của Victoria Beckham, nguy cơ biến chứng cũng ít hơn hẳn so với một ca mổ khẩn cấp.
Sinh mổ nhiều lần cũng gặp phải một số trục trặc hiếm gặp. Chẳng hạn người phụ nữ từng sinh mổ về sau lại đề nghị sinh thường sẽ dễ gặp biến chứng, do vết sẹo cũ có thể bị mỏng và bục ra khi mang bầu – mà biến chứng này thường đe dọa tính mạng cả mẹ và con, dù hiếm gặp.
Đó là lý do vì sao cứ 4 bà mẹ đề nghị sinh thường (mà trước đó đã đẻ mổ) cuối cùng vẫn sẽ phải đẻ mổ. Hầu hết các bác sĩ sản khoa sẽ đề nghị người mẹ tiếp tục mổ bắt con, nếu 2 lần trước đó họ từng theo cách này, để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Clive Spence-Jones cũng cho rằng hầu hết phụ nữ chọn sinh mổ là do các lý do y học. Chẳng hạn em bé nằm vị trí không thuận, hoặc bị kiệt sức trong quá trình chuyển dạ. Hoặc người mẹ có khung xương chậu quá nhỏ, khiến em bé có nguy cơ mắc kẹt trong quá trình chào đời, hoặc người mẹ có thể bị gãy xương chậu. Một số ít chị em thì muốn được mổ vì sợ sinh tự nhiên.
“Dù thế nào đi nữa, khi họ đã chọn phương pháp này, hãy tôn trọng họ. Nhiệm vụ của bác sĩ và hộ lý chỉ là đảm bảo rằng mọi thai phụ đều biết quyền lợi của mình, rằng họ được chọn cách sinh”, chuyên gia nói.
Viện hồ sơ bệnh án quốc gia Anh khẳng định rằng khoảng 7% các ca sinh mổ là theo đề nghị của người mẹ. “Theo quan điểm chuyên môn của tôi, con số này là khá cao, nhưng nó vẫn có nghĩa rằng chỉ một thiểu số nhỏ đã chọn cách này, và rất ít trong số đó được thực hiện để tạo sự thoải mái”.
Tỷ lệ sinh mổ tại Anh hiện khoảng 24%. Số gia tăng nhiều là nhóm phụ nữ béo phì và những người có tuổi. Với phụ nữ béo, lượng mỡ nhiều trong khung chậu khiến em bé không thể đi ra theo ngả tự nhiên. Những phụ nữ trên 40 tuổi cũng được khuyên mổ vì tử cung của họ co giãn kém hơn so với phụ nữ trẻ.
Mỗi ca sinh thường rẻ hơn khoảng 800 bảng so với một ca sinh mổ. Tuy nhiên, bạn không thể tính toán chi phí chỉ bằng tiền. Người ta cũng phải tính tới tâm trạng suy kiệt của người mẹ sau một ca sinh thường đáng sợ, hoặc tới sức khỏe của đứa trẻ do những chấn thương khi đỡ đẻ. Chẳng hạn, khoảng 10% các trường hợp liệt não là hậu quả của những sai sót của bác sĩ trong ca đẻ thường.
Không ai thích một kết quả đáng sợ như vậy. Và đó là lý do vì sao việc sinh nở phải đảm bảo sự an toàn tối đa cho mẹ và bé, cũng như cho các nhân viên y tế. Không có tỷ lệ sinh mổ lý tưởng ở đây.
Các bác sĩ cần cho thai phụ lựa chọn cách sinh để phù hợp nhất với nhu cầu của cá nhân họ.