Mùa hè nóng bức mà mức nước của sông, suối, ao, hồ lại lên cao. Trẻ em khi thiếu đi sự giám sát của phụ huynh lại rất mê thú vui bơi lội. Đã có quá nhiều tai nạn đuối nước thương tâm nhưng có lẽ sẽ chưa dừng lại ở đó.
Nghe tiếng trẻ kêu, anh Hải nhảy xuống ao nuôi cá sau nhà để cứu cậu con trai 4 tuổi. Phải mất hơn 5 phút lặn hụp, người cha mới mang được con lên. Trên đường đến bệnh viện, bé đã ngưng tim ngưng thở.
Tai nạn này vừa xảy ra ở Phong Phú, Bình Chánh, TP HCM, cuối tháng 7, thì ngay trong ngày đầu tháng 8, tại quận Bình Tân một bé trai 3 tuổi khác cũng gặp nạn khi chơi cạnh bờ ao. Cậu bé may mắn được các bác sĩ cứu sống sau 24 giờ cấp cứu.
Ngày 27/6, bé Nguyễn Văn Đoàn, 3 tuổi, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, ra ao nước chơi nhưng gia đình không hay. Khi hàng xóm báo tin họ mới biết con mình chết đuối. Còn trước đó vài ngày ở xã Phú Điền, em Phạm Nguyễn Huỳnh Kha, 2 tuổi, đột ngột mất tích. Gia đình đi tìm gần một giờ đồng hồ mới phát hiện xác bé dưới ao nước.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu của 2 bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho biết, ngạt nước là loại tai nạn rất thường thấy. Không chỉ ngạt nước vì ngã xuống ao hồ, kênh rạch, sông suối, hồ bơi, các bé còn có thể bị nạn từ những vật chứa nước trong nhà.
Trong tuần qua, bé trai 2 tuổi ở quận Thủ Đức đã tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chỉ vì té cắm đầu vào xô nước trong nhà tắm. Theo các bác sĩ, trong lúc chuẩn bị tắm con, mẹ bé đi lấy quần áo rồi nhân tiện nghe điện thoại. Khi trở vào thì cậu con trai đã cắm đầu vào xô nước. Dù đã được cấp cứu tích cực nhưng sức khỏe của bệnh nhi vẫn không cải thiện do thời gian ngạt quá lâu.
Hơn một tháng trước, cũng tại bệnh viện này, bé gái 2 tuổi được đưa đến trong tình trạng ngạt nặng vì ngã cắm mặt vào thau nước trong phòng tắm. Một bé trai 14 tháng tuổi khác cũng bị ngạt vì ngã vào chiếc xô nhỏ mẹ chứa nước lau nhà. May mắn cả hai bé đều được cứu sống.
Theo thống kê của sở Lao động – Thương bình và xã hội TP HCM, trong năm 2010, đuối nước đã cướp đi sinh mạng 22 trẻ từ 14 tuổi trở xuống. Còn theo Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm có 30 trẻ bị chết đuối, cá biệt trong tháng 6 đến 13 trẻ bị đuối nước. Gần 30% số ca tử vong và di chứng não từ ngạt nước.
Để phòng nạn ngạt nước, các tỉnh miền Tây Nam bộ đã tính đến việc phổ cập việc dạy bơi lội cho trẻ. Cụ thể theo UBND tỉnh Đồng Tháp từ năm 2011 đến 2015, tỉnh phấn đấu phổ cập chương trình bơi lội cho trẻ, kinh phí đầu tư là 9 tỷ đồng, dạy các em bơi lội nhằm giảm thiểu nạn trẻ em đuối nước.
Theo các bác sĩ, để cấp cứu khi có tai nạn đuối nước, nên đặt nạn nhân chỗ khô ráo, thông thoáng. Nếu người bị đuối nước tím tái không thở thì phải thổi ngạt bằng cách áp miệng thật sát vào mũi và miệng, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó thổi theo nhịp cứ 4 giây một lần cho đến khi nạn nhân thở lại đều. Nếu tim ngừng đập, cần ấn tim ngay sau thổi ngạt. Dùng tay ấn vào vùng nửa dưới của xương ức một cách đều đặn. Cứ 5 nhịp thì thổi ngạt một lần. Cần tránh xốc nước vì có thể khiến nạn nhân thiếu oxy não trầm trọng hơn.
Trịnh Thị Kim Chiêu đã bình luận
Con tôi được 12,5 tháng, trồng trắng mắt phải của bé có màu hơi đen ( gần 1 nửa trồng trắng ) và bé trở mình hay nghe tiếng rốp rốp của xương. Xin Bác sĩ cho biết như vậy bé có bệnh gì không ? Xin chân thành cảm ơn!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên đưa bé đi khám thì mới biết bệnh gì nhé.