Không ít những cặp đôi trẻ sắp “lên chức”, đặc biệt là những người sắp có con đầu lo lắng đến mất ăn mất ngủ để chuẩn bị cho em bé chào đời. Vậy làm công tác chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng và dễ dàng trong hành trình “vượt cạn”?
Chuẩn bị sẵn sàng đồ sinh nở
Trong tháng cuối của thai kỳ, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc đi sinh nở để trong một túi riêng để mang đi bệnh viện bất cứ khi nào có dấu hiệu sinh nở. Túi đồ này sẽ bao gồm tất cả những đồ đạc thiết yếu như đồ lót, đồ ngủ, băng vệ sinh, quần áo trẻ sơ sinh, tã, bỉm… Việc này sẽ giúp bạn không bị cập rập và quên đồ đặc khi bất ngờ có dấu hiệu đau đẻ.
Tham gia một lớp học tiền sản
Có thể bạn nghĩ rằng, việc đi học một lớp học tiền sản chẳng quan trọng là mấy vì nơi đó cũng chỉ dậy các bài tập thông dụng như tập thở, đi lại để dễ sinh nở nhưng ngày nay, những lớp học này có rất nhiều bài học bổ ích mà bạn nên tham gia. Tại đây, các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn tất cả các kỹ năng quan trọng khi sinh con, cách thư giãn và hít thở khi sinh cũng như cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Tham gia lớp học này, bạn cũng sẽ được gặp gỡ nhiều bạn bè đang cũng hoàn cảnh, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu từ họ.
Vận động
Bà bầu tập thể dục sẽ giúp cho thai kỳ khỏe mạnh, đồng thời giúp cho việc sinh nở được dễ dàng hơn. Bạn hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để tìm được bài tập an toàn với mình. Những môn thể thao được khuyến khích dành cho bà bầu là đi bộ, bơi lội và yoga. Việc tập thể thao trước khi sinh nở sẽ giúp bà bầu linh hoạt, dẻo dai và hỗ trợ tuyệt đối trong quá trình lâm bồn.
Massage tầng sinh môn
Massage tầng sinh môn nhằm giúp bà bầu tránh bị rạch khi sinh nở khi con quá to. Đây là nỗi sợ hãi của tất cả những bà bầu đặc biệt những người mang thai lần đầu. Tầng sinh môn là khu vực giữa âm đạo và hậu môn. Massage sẽ giúp khu vực này dễ dàng mở ra và co giãn trong thời gian sinh nở. Bạn có thể thực hiện bài massage này bằng ngón tay của mình và nhớ phải vệ sinh sạch sẽ trước khi thực hiện. Nên thực hiện bài tập này trong 6-8 tuần trước khi sinh.
Lập kế hoạch sinh nở
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trong tháng cuối chuẩn bị sinh nở về phương pháp sinh phù hợp với bạn. Đồng thời bạn cũng phải chọn phòng sinh, nơi sinh và bác sĩ sẽ trực tiếp đỡ đẻ cho mình. Hãy lập một kế hoạch chi tiết để không bị bỡ ngỡ khi đến bệnh viện sinh nở.
Thư giãn
Hãy tạo tâm lý thoải mái đặc biệt trong những tuần cuối chuẩn bị “nằm ổ“. Hãy cố gắng đừng nghĩ quá nhiều về chuyện sinh nở mà nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Có nhiều chị em vì sợ những cơn đau sinh nở mà ngày ngày tưởng tượng ra viễn cảnh khi mình nằm trên bàn sinh. Điều này thực sự không tốt cho tâm lý bà bầu. Hãy cứ nghĩ rằng tất cả chị em phụ nữ đã vượt qua được cơn đau này, tại sao mình không thể làm được, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.