Ngôi thai ngược không phải là trường hợp hiếm ở các thai phụ bởi ngày càng có nhiều trường hợp sản phụ sẽ phải sinh con “ngược” với trạng thái bình thường. Thường thì nếu sang tới tuần 34-36 mà thai vẫn chưa thuận, sản phụ sẽ sinh con trong trạng thái thai ngược. Trước tuần thứ 28 nếu thai nằm ngược thì vẫn còn khả năng thai sẽ thuận. Vì thế các bác sĩ không can thiệp gì.
Trong vòng 2-3 tuần sau đó thai nhi sẽ tự động xoay chiều, và đây là quá trình tự động ở 30% phụ nữ sinh con so và khoảng 70% phụ nữ sinh con dạ. Nếu không có những biểu hiện thai sẽ thuận, các bác sĩ sẽ quyết định cho thai phụ sinh ở bệnh viện nào và việc đỡ đẻ sẽ tiến hành ra sao.
Trong trạng thái sinh bình thường, đầu là phần to nhất của thai nhi ra trước, các phần còn lại: vai, mông… lần luợt theo sau “ đầu xuôi thì đuôi lọt” không có gì khó khăn. Còn gặp ngôi ngược, mông ra trước (nên gọi là ngôi mông), các phần còn lại: vai và đầu to hơn sẽ khó ra, đặc biệt đầu có thể bị kẹt lại ở cổ, không ra được (gọi là kẹt đầu hậu).
Có hai loại ngôi mông:
– Ngôi mông đủ: gồm có mông và hai chi dưới gập lại, thai nhi ngồi xếp bằng hay ngồi xổm trong buồng tử cung. Thường gặp những người sinh con sau
– Ngôi mông thiếu: chỉ có mông, còn hai phần chân duỗi thẳng xuống hoặc thai nhi có dạng quỳ gối trong tử cung. Thường gặp ở người sinh con đầu lòng
Bình thường, trước tuần lễ thứ 28, thai nhi nhỏ, kích thước phần đầu to hơn phần thân, mà tử cung có dạng hình quả lê nên đầu thai nhi có xu hướng chiếm chỗ to. Khi tuổi thai càng lớn, thân mình và tay chân thai nhi phát triển to hơn phần đầu. Lúc đó thai nhi tự động xoay ngược lại, đưa đầu xuống dưới gọi là ngôi thuận. Hiện tượng này được gọi là sự bình chỉnh của thai vào tháng thứ 6-7 (trước tuần 28). Nếu thai không xoay được, đầu thai nhi vẫn ở bên trên, thì ngôi ngược xuất hiện, thường chiếm 3-4 % tổng số trường hợp sinh nở.
Nguyên nhân gây ngôi thai ngược
– Hiện nay người ta chưa trả lời chính xác được nguyên nhân gì dẫn tới hiện tượng thai ngược. Tuy nhiên có một số yếu tố ảnh hưởng đến vị trí thai trong bụng mẹ như: dạ con có những khuyết tật, u xơ tử cung, tử cung kém phát triển, tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, vùng xương chậu của thai phụ hẹp hơn bình thường, dạ con co bóp quá yếu hoặc quá mạnh, hoặc thai phụ có quá nhiều hoặc quá ít nước ối, hoặc cuống nhau quá ngắn, rau tiền đạo, dây rau quấn cổ, đa thai, não úng thuỷ…
– Trường hợp sinh non cũng có thể gây ra ngôi thai ngược do thai nhi chưa kịp xoay theo chiều ngôi thuận.
Nguy hiểm đối với thai nhi ngược
Ngôi thai ngược tất nhiên dễ sinh ra nhiều tai biến hơn cho cả mẹ và bé.
– Về mẹ: dễ bị rách phần mềm (tầng sinh môn, cổ tử cung) khi đầu lọt ra.
– Về thai nhi: dễ sa dây rốn hay chèn ép dây rốn dẫn đến tử vong. Nhẹ hơn là các sang chấn trong lúc sinh như xuất huyết não – màng não, liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đùi, rách cơ ức đòn chũm. Nếu nắm thai kéo không đúng cách, có thể gây tổn thương các tạng trong bụng.
– Có một số yếu tố khác cũng dễ gây tai biến: sản phụ rặn đẻ khi cổ tử cung chưa mở trọn, gây kẹt đầu hậu; tay thai nhi giơ cao làm cuộc sinh bị kéo dài, thai ngạt, có thể gãy xương cánh tay khi thủ thuật hạ tay. Đầu ngửa làm cho đường kính trở nên quá lớn, gây kẹt đầu hậu. Cho nên sinh ngôi ngược khó khăn và nguy hiểm.
Chẩn đoán trước khi sinh
Việc “vượt cạn” của các bà mẹ tương lai theo cách nào để được bác sĩ quyết định tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Những yếu tố gì được xem xét tới?
– Tuổi của thai phụ.
– Những đặc điểm của bộ phận sinh dục của người phụ nữ (như thai phụ có bệnh gì liên quan tới dạ con hay không, hoặc quá trình mang bầu có gì trục trặc bất bình thường hay không).
– Các vấn đề liên quan tới những cơ quan khác như hệ thống tim mạch, hệ thống hô hấp hoặc nội tiết (như các bệnh tim bẩm sinh, hen phế quản hay tiểu đường).
– Kích thước vùng xương chậu của thai phụ.
– Trọng lượng ước tính của thai nhi. Lý tưởng nhất là thai có trọng lượng từ 2,500kg tới 3,500 kg. Nếu thai nhi được dự đoán sẽ có trọng lượng từ 3.600kg trở lên, các bác sĩ thiên về phương pháp mổ đẻ.
– Sức khoẻ của chính thai nhi và độ mở của cổ tử cung.
– Giới tính của thai nhi.
Các biện pháp sinh khi ngôi thai ngược
– Cho sinh tự nhiên, nếu thai nhỏ, con rạ, tầng sinh môn đã giãn nhiều.
– Sinh ngả âm đạo, có can thiệp từng phần: thai nhi được để sinh tự nhiên đến rốn. Sau đó, người đỡ sinh sẽ phụ giúp trong thì sinh vai, tay và đầu.
– Thủ thuật kéo thai: hiện nay không được áp dụng vì nguy hiểm.
– Mổ lấy thai: nhằm giảm tỷ lệ sang chấn cho thai nhi. Được áp dụng trong các trường hợp:
- Con đầu lòng nặng trên 3 kg
- Con thứ ước lượng thai nặng hơn kỳ sinh trước
- Mẹ lớn tuổi sinh con đầu lòng
- Có sa dây rốn
- Suy thai trong chuyển dạ hay chuyển dạ kéo dài.
Nhận biết ngôi thai ngược
Từ tháng thứ 6, thai phụ có thể cảm nhận được ngôi thai thuận hay ngược nếu chú ý vị trí đạp của thai:
– Ở ngôi thai thuận, thai nhi đạp ở vùng trên rốn, thỉnh thoảng có thể cảm nhận chân của thai nhi gồ lên ở vùng hạ sườn
– Ở ngôi thai ngược, thai nhi đạp ở vùng bụng dưới, đôi khi cảm thấy tức tức ở vùng hạ sườn do đầu bé chèn vào.
Ngày nay, nhờ có siêu âm, người ta có thể xác định có ngôi ngược hay không. Điều cần thiết là thai phụ đi khám thai đều đặn, nhất là vào tháng thứ 7, để gặp trường hợp thai chưa xoay, cán bộ sản khoa theo dõi và can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
nguyen thi ha đã bình luận
em di sieu am luc do duoc 33tuan 2 ngay o pshn bac si noi em bi ngoi nguoc .em be day ron quan mot vong o co lieu em be co anh huong gi va neu em sinh thuong co duoc ko?em be duoc 2,4kg luc 33tuan 2 ngay
me chip đã bình luận
bác sỹ oi. cho em hỏi em đang ở tuần thai 27, siêu âm là ngôi thai ngược, vậy những tuần sau cho em hỏi con em có quay đầu ngôi thuận được không ạ?
Tú Uyên đã bình luận
BS ơi giúp em với ạ. Hôm qua em đi SA, em bé được 31w1d, nặng 1736gr, ngôi ngược, không có hiện tượng dây rốn quấn quanh cổ hay gì vì tất cả mọi thứ đều ghi là bình thường. Sinh con đầu lòng nên Em rất muốn sinh thường, BS ở BVPS nói em cứ yên tâm vì ở tuần này thai ngôi ngược là rất nhiều. BS cho em hỏi có biện pháp nào mình tác động thêm để em bé xoay ngôi không ạ vì em bé nhà em cũng nhỏ ( theo lời BS ở BV thì em bé nhỏ khoảng 200g ) vì lúc ở viện em nghe thấy mấy chị nói thường xuyên đi bộ em bé cũng dễ chuyển ngôi. còn có bài tập thể dục nào không BS cho em biết với nhé. Em cám ơn BS nhiều !
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Không có biện pháp tập nào để thai nhi xoay đầu xuống. Cân nặng phù hợp tuổi thai nếu bạn đã tính chính xác theo ngày kinh kỳ cuối và vòng kinh thường thấy.