Sau 6 tháng bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, chúng ta đã bắt đầu có thể cho bé ăn dặm bằng sữa công thức và các món bột khác nhau. Chế biến hồ, bột thế nào để bé ăn ngon miệng và cung cấp đủ chất là điều không hề đơn giản. Chúng tôi sẽ giới thiệu một số món hồ, bột giàu dinh dưỡng, giúp các mẹ có một bộ thực đơn phong phú cho bé.
1. Hồ gạo
Nguyên liệu:
- 1 muỗng gạo (gạo đã được nghiền thành bột, lọc qua cho mịn).
- Một ít sữa mẹ hoặc sữa ngoài.
- Nước.
Cách chế biến:
Đổ nước vào nồi, cho bột gạo vào khuấy đều cho tan rồi bắc lên bếp, tiếp tục khuấy cho đến khi chín vừa, rồi bắc xuống. Tiếp tục cho sữa mẹ hoặc sữa đã pha vào trộn lẫn cho bé ăn.
Đặc điểm: Mùi vị và hình dạng của thức ăn này không khác gì sữa nên bé dễ ăn.
2. Hồ khoai tây
Nguyên liệu:
- Khoai tây: 50g (hoặc nhiều hơn tùy thuộc nhu cầu của bé)
- Nước
Cách chế biến:
Khoai tây rửa sạch, bỏ vào nồi hấp hoặc luộc chín mềm, bóc bỏ vỏ, cho vào bát dùng thìa tán nhuyễn, sau cho nước (đã đun sôi, để nguội) vào trộn đều thành dạng hồ, rồi cho bé ăn.
3. Hồ cà rốt
Nguyên liệu:
- Cà rốt: 1/2 củ
- Nước.
Cách chế biến:
Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ, rồi cho vào nồi hấp hoặc luộc chín mềm, dùng thìa tán nhuyễn, đổ nước vào trộn đều là được.
4. Nước cà chua
Nguyên liệu:
Cà chua: 1/2 quả
Cách chế biến:
Cà chua rửa sạch, dùng dao cắt phần đáy thành hình chữ thập, cho vào nồi hấp khoảng vài phút, lấy ra bóc bỏ vỏ, cho vào vải xô, dùng thìa ép lấy nước.
Lưu ý: Trẻ lần đầu mới uống, nên thêm một ít nước vào làm cho nhạt bớt, rồi dần dần tăng nồng độ, khi nào bé thích hợp thì mới cho uống nguyên chất.
5. Hồ lòng đỏ trứng gà
Nguyên liệu:
- Trứng gà: 1 quả
- Nước: 1 chén.
Cách chế biến:
Trứng gà rửa sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, bỏ lòng trắng lấy lòng đỏ, thêm một ít nước vào tán nhuyễn.
Đặc điểm: mềm dễ ăn, bổ sung thêm lượng chất sắt cho trẻ.
Lưu ý: có thể dùng sữa bò, nước cơm, nước rau thay nước sôi để trộn với lòng đỏ trứng, tạo thành hồ cho bé ăn. Mới đầu, chỉ nên cho bé ăn một lượng ít thôi để xem bé có thích nghi với món này không, sau đó mới tiếp tục cho trẻ ăn lượng tăng dần. Nên nhớ, không nên cho bé ăn lượng quá nhiều, mỗi ngày không được quá một quả.
6. Sữa lòng đỏ trứng
Nguyên liệu:
Lòng đỏ trứng gà (đã luộc chín): 1 quả
Sữa bò: 3 muỗng cà phê
Mật ong dành cho trẻ: 1/2 thìa cà phê.
Cách chế biến:
Lòng đỏ trứng gà cho vào bát tán nhuyễn. Trộn lòng đỏ và sữa với nhau, bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đều, khoảng chừng vài phút, bắc xuống cho mật ong vào trộn đều là được.
7. Lòng đỏ trứng – sữa chua
Nguyên liệu:
- Lòng đỏ trứng (đã luộc trứng): 1 quả
- Sữa chua: 2 muôi
- Bột gạo: 1 muôi
- Nước dùng (nước hầm thịt): 1 bát.
Cách chế biến:
Lòng đỏ trứng gà đem dầm nát. Cho nước dùng đã để nguội vào xoong, cho bột gạo và lòng đỏ trứng và nấu, vừa nấu vừa khuấy đều. Nấu chín, đổ ra bát chờ nguội, cho tiếp sữa chua vào trộn đều là được.
8. Hồ bí đỏ
Nguyên liệu:
- Bí đỏ: 50g
Nước cơm: 1 chén.
Cách chế biến:
Bí đỏ rửa sạch, gọt bỏ vỏ và ruột, bỏ vào nồi hấp hoặc luộc chín, đem ra tán nhuyễn, cho vào nồi nấu cùng nước cơm.
9. Hồ đậu đỏ
Nguyên liệu:
- Đậu đỏ: 50g
- Đường: 20g
- Nước, dầu ăn vừa đủ.
Cách chế biến:
Đậu đỏ vo sạch, cho vào nồi nước nấu mềm nhừ, cho một ít dầu vào nồi, cho đường đỏ vào xào tan ra, cho đậu vào xào lên bằng lửa vừa, xào đến khi đậu nhuyễn là được. Đợi nguội, rồi cho bé ăn.
Đặc điểm: Thơm ngọt, mềm, chứa nhiều vitamin nhóm B và chất sắt, thích hợp với trẻ trên 10 tháng tuối.
10. Bột cá cà chua
Nguyên liệu:
- Thịt nạc cá quả: 100g
- Cà chua: 25g
- Nước dùng gà
- Nước mắm ngon, dầu ăn vừa đủ.
Cách chế biến:
Thịt nạc cá quả rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn. Cà chua bỏ hạt, bỏ vỏ, trần qua nước sôi, băm nhỏ. Cho nước dùng gà, cá, cà chua vào nồi, đun nhỏ lửa đến lúc chín, nêm nước mắm, dầu ăn vừa đủ là được.
Đặc điểm: Giàu vitamin nhóm B, là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của não bộ.
11. Chuối nấu sữa tươi
Nguyên liệu:
- Chuối: 25g
- Sữa tươi: 60ml
- Bột bắp: 5g
- Đường: 5g
Cách chế biến:
Chuối lột bỏ vỏ, tán nhuyễn. Sữa tươi, bột bắp, đường trộn đều, sau đó cho vào nồi nấu, trong khi nấu khuấy đều liên tục, khi đã chín, cho chuối vào đun sôi trở lại là được. Để nguội, rồi mới cho bé dùng.
Đặc điểm: giàu canxi, sắt
12. Bột mật ong – táo
Nguyên liệu:
- Táo trái lớn: 50g
- Táo tàu: 30g
- Mật ong: 1 thìa cà phê
Cách chế biến:
Táo tàu rửa sạch, bỏ vỏ, nấu chín, tán nhuyễn. Táo gọt bỏ vỏ, bỏ hạt hấp chín, tán nhuyễn. Trộn lẫn táo tàu, táo cho mật ong vào khuấy đều là được.
13. Bột gà – bí đỏ
Nguyên liệu:
- Thịt gà (không có da): 100g
- Bí đỏ: 50g
- Khoai tây: 20g
- Bột gạo dinh dưỡng: 2 thìa canh
- Nước dùng gà: 1 bát
- Sữa tươi: 1 thìa cà phê
- Nước mắm ngon, dầu ăn.
Cách chế biến:
Thịt gà rửa sạch, cắt miếng mỏng, xay nhuyễn. Khoai tây, bí đỏ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, hấp chín tán nhuyễn. Cho nước dùng gà vào nồi, bỏ bột gạo, bí đỏ, khoay tây vào, cho lên bếp đun nhỏ lửa, khuấy đều, nấu chín. Nếm nước mắm, dầu ăn vừa đủ là được. Đổ bột ra bát tô hoặc đĩa sâu, rồi rưới sữa lên trên và cho bé thưởng thức.
Đặc điểm: Tốt cho sự phát triển thể chất và trí não.
14. Bột ngó sen – táo
Nguyên liệu:
- Táo: 60g
- Bột ngó sen: 60g
- Đường, nước lượng vừa đủ.
Cách chế biến:
Táo gọt vỏ, xay nhuyễn. Đặt một cái nồi nhỏ lên bếp, cho 250ml nước vào, đun sôi, cho bột ngó sen đã trộn đường vừa ăn vào, đun sôi bằng lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều tay cho đến khi nước trong, sau đó cho táo vào nấu chín là được.
Đặc điểm: Giúp dạ dày bé tiêu hóa tốt hơn, trị chứng táo bón của trẻ cũng rất hiệu quả.
15. Bột cua – rau xanh
Nguyên liệu:
- Bột gạo tẻ: 3 thìa
- Nước lọc cua: 1 bát con
- Rau xanh giã nhỏ: 1 thìa canh
- Nước mắm ngon, dầu ăn.
Cách chế biến:
Hòa tan bột vào nước cua, bắc lên bếp, khuấy đều đến lúc chín, cho rau xanh vào nấu chín, nêm nước mắm, dầu ăn vào một lượng vừa đủ là được.
16. Bột tôm
Nguyên liệu:
- Bột gạo: 3 thìa
- Tôm tươi: 100g
- Nước mắm ngon, dầu ăn.
Cách chế biến:
Tôm rửa sạch, bóc vỏ, xay nhỏ. Cho một bát con nước vào nồi nhỏ, cho bột gạo vào hòa tan. Đặt nồi lên bếp, khuấy đều đến khi bột chín. Cho rau, tôm vào nấu chín. Nêm nước mắm, dầu ăn vừa đủ, khuấy đều là được.
Chu Thị Nhung đã bình luận
Be nhà mình hiện được 6 tháng tuổi, minh rât băn khoăn không biết chế biến thực đơn ăn dặm cho bé như thế nào? rất mong được sự giúp đỡ.
Hoàng Huệ đã bình luận
Mình sinh năm 1984, ông xã sinh năm 1984, dự kiến đặt tên cho con gái sinh năm 2011 là Bành Hoàng Yến thì có được không? Nhờ MYC tư vấn giúp mình với!
Meyeucon.org đã bình luận
Tên Hoàng Yến nói chung là được