Hỏi: Cháu mới lấy chồng và mới quan hệ được một lần. Từ khi chưa lấy chồng và chưa có quan hệ tình dục, cháu đã thấy khí hư có màu bã đậu đóng thành cục và bám ở thành âm đạo, ngứa, có mùi khó chịu. Vậy có phải cháu đã bị bệnh viêm âm đạo từ khi còn con gái?… Cháu vừa đi khám, bác sĩ cho làm xét nghiệm. Kết quả: nấm candida +, tế bào ++, bạch cầu +. Cháu đã đặt thuốc 12 ngày và sau đó đi khám xét nghiệm lại, kết quả bạch cầu +, tế bào +, trực khuẩn ++. Xin hỏi so kết quả lần 2 thì bệnh của cháu có tiến triển tốt hơn không? Bây giờ cháu phải làm thế nào và cháu có sinh được con không?
Trả lời: Viêm âm đạo là bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi và do nhiều nguyên nhân: do vi khuẩn (trực khuẩn, cầu khuẩn…); nấm; trùng roi, hay gặp là nấm Candida. Bình thường trong âm đạo vẫn có các vi khuẩn hoạt động gọi là vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, khi nó phát triển quá mức sẽ gây bệnh. Theo thư bạn mô tả và kết quả xét nghiệm, bạn vừa nhiễm nấm vừa nhiễm trực khuẩn. Khi bị nhiễm nấm nếu không điều trị triệt để sẽ dễ tái phát. Đặc điểm của nhiễm nấm Candida là khí hư ra nhiều, đóng vón thành cục ở thành âm đạo và gây ngứa. Về điều trị, cần thụt rửa âm đạo và đặt thuốc chống nấm vào âm đạo ngày 1 lần, trong 7 – 14 ngày. Chú ý, khi đặt thuốc không quan hệ tình dục đồng thời điều trị cho cả chồng bằng thuốc uống chống nấm. Trường hợp của bạn sau đặt thuốc chống nấm, xét nghiệm chỉ còn trực khuẩn, bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ cho bệnh khỏi hoàn toàn vì nếu viêm nhiễm phụ khoa không điều trị có thể gây viêm tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh sau này. Nên nhớ, viêm âm đạo không chỉ gặp ở phụ nữ có chồng mà còn gặp cả ở các em gái do không biết cách vệ sinh kinh nguyệt, do tắm rửa ở nguồn nước không sạch… Lời khuyên là hằng ngày cần vệ sinh bộ phận sinh dục ít nhất một lần bằng nước sạch, khi có kinh cần thay băng vệ sinh 3 – 4 lần/ngày, vệ sinh trước và sau khi sinh hoạt tình dục (cả hai người). Hiện tại, bệnh của bạn không có gì trầm trọng. Chúc bạn yên tâm điều trị.