Ngày 15.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động. Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội thống nhất quy định theo hướng linh hoạt hơn bằng việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 vừa qua, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra nhiều đề nghị sửa đổi, bổ sung quan trọng đối với Dự thảo Bộ luật Lao động.
Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội thống nhất quy định theo hướng linh hoạt hơn bằng việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng.
Theo đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ tối đa trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng mà vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản.
Về thời gian làm thêm, Ủy ban này đề nghị giữ nguyên như quy định của bộ luật hiện hành mà không “nới trần” như dự thảo trình Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. Như vậy, doanh nghiệp có thể tổ chức làm thêm giờ không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm.
Để phù hợp với tình hình hiện tại, mức lương làm thêm giờ ban đêm đối với ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần và ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đều được điều chỉnh tăng thêm 20% hiện hành; tương ứng bằng 200%; 250% và 350% so với lương làm việc bình thường.
Về tuổi nghỉ hưu, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng nên giữ như hiện tại (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); song cần bổ sung quy định nguyên tắc, tiêu chí đối với các nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; người lao động làm công tác quản lý.