Đa số các bậc phụ huynh thường quan tâm đến sự lớn lên về chiều cao, cân nặng và khả năng học tập văn hóa của con em mình. Một câu hỏi thường được họ đặt ra với các bác sĩ nhi khoa là: “Con tôi nên uống loại sữa nào để được thông minh học giỏi, để tăng cân nặng và chiều cao đều đều hằng tháng?”
Nhưng khi bác sĩ hỏi về sự phát triển xã hội như “Bé đã biết cười để đáp lại nụ cười của mẹ từ lúc mấy tháng tuổi?” thì đa số các bà mẹ không nhớ hoặc không biết.
Bé phát triển về mặt xã hội rất sớm ngay sau khi chào đời với tiếng khóc, ánh mắt nhìn mẹ khi mẹ cho con bú, quay đầu về phía mẹ khi nghe giọng mẹ nói.
Con bạn học những kỹ năng xã hội thông qua tiếp xúc với người khác nhưng cách những kỹ năng này phát triển như thế nào sẽ bị ảnh hưởng bởi tính khí và giai đoạn phát triển của bé.
Sau đây là một số giai đoạn để bạn có thể quan sát đối với con của mình.
1 – 3 tháng
Bé dành phần lớn thời gian để ăn và ngủ. Nhưng trong thời gian tỉnh táo, yên tĩnh, bé bắt đầu học hỏi về thế giới xung quanh.
Bé học cảm giác được bế, âu yếm, chăm sóc và đu đưa. Khi bạn nói chuyện hoặc gần bé, bé nghe được giai điệu của giọng nói. Bé bắt đầu tạo ra âm thanh và phát hiện ra rằng người khác đang đáp lại bé.
Ở lứa tuổi này, bé đáp ứng phần lớn đối với những cảm giác. Bé vẫy tay chân khi bạn vỗ nhẹ vào bé và cù nhẹ làm cho bé cười. Gương mặt trở thành một hình ảnh hấp dẫn đối với bé vì vậy bé thích nhìn mặt đối mặt. Bằng cách nhìn sang chỗ khác hoặc bắt đầu quấy, bé cho bạn biết thời gian chơi như thế là đủ.
3 – 6 tháng
Giờ đây bé đã rất chú ý đến mọi người và thích khám phá mọi thứ xung quanh. Bé vẫn còn phụ thuộc vào bạn khi di chuyển quanh phòng và sẽ quấy khóc nếu đánh rơi đồ chơi hoặc bị kẹt ở một nơi chật chội. Hãy bế bé lên, bé sẽ chú ý và sẽ học cách giao tiếp với bạn thông qua những trò chơi.
Lúc này bé đã biết cách đáp lại nhiều hơn, đặc biệt là đối với giọng nói tình cảm của bạn. Bé sẽ nhìn vào mắt bạn và cười khi bạn chơi với bé và bắt đầu cười to, cười rúc rích hoặc khóc giận dữ để biểu lộ cảm xúc của mình. Bởi vì bé học hỏi chủ yếu thông qua các giác quan nên bé luôn muốn sờ mó và bỏ vào miệng hầu như tất cả mọi thứ. Điều này giúp bé phát triển một sự gắn bó đối với bạn và những người quen khác.
Bé tập bò (7 – 14 tháng tuổi)
Khi đã biết bò, bé sẽ chủ động tìm đến bạn. Lúc này, bé cũng nhận biết được sự khác nhau giữa người quen và người lạ và có thể không muốn cho người lạ bế. Rõ ràng là bé thích bạn hơn những người quen khác nhưng thường chấp nhận người lạ một cách nhanh chóng.
Khi bé biết bò dần dần biểu lộ sự trìu mến với người khác và học cách hôn và ôm. Cho bé ăn là một việc trở nên thách thức hơn trong giai đoạn này vì bé đang cố giúp bạn với chiếc muỗng. Lúc này, bé có thể ăn bằng ngón tay và thậm chí giúp bạn trong việc mặc quần áo cho bé nữa.
Bé thích vọc nước và chơi bóng, một phần bởi vì đây là cơ hội để chơi với bạn hoặc những người khác. Bé cũng rất thích chơi trò ú òa hoặc những trò chơi hai người khác.
Bé biết đi chập chững (15 – 23 tháng tuổi)
Con của bạn đang học cách để tạo nên sự cân bằng giữa độc lập và phụ thuộc. Bé mới tập đi liên hệ về mặt tình cảm đối với bạn mật thiết hơn trước, nhưng đã bắt đầu trở thành một cá nhân riêng biệt.
Nếu trước đây, có thể bé thường chấp nhận tất cả những gì bạn làm nhưng lúc này đã bắt đầu phủ nhận, bé vẫn sẽ nói “không” ngay cả khi chẳng có cớ gì.
Bé trở nên có sức thu hút và duy trì sự quan tâm của bạn tốt hơn. Lúc này, bé đã bắt đầu biết cách nhờ bạn giúp đỡ trong những việc quá khó. Những kỹ năng này sẽ quan trọng khi con của bạn bắt đầu đi học.
Đừng trông đợi bé chia sẻ với bạn tất cả mọi thứ vì bé có thể cất giấu đồ chơi. Bé có thể chơi cùng một chỗ với những bé khác nhưng ít tiếp xúc với chúng ngoại trừ việc giành đồ chơi. Con trai và con gái thường chơi theo những cách khác nhau với những đồ chơi giống nhau.
Ở lứa tuổi này bé bắt đầu chia sẻ cảm xúc của người khác. Thay vì khóc theo khi những bé khác khóc, lúc này bé sẽ với tới để sờ, lau nước mắt hoặc dỗ bé đang khóc.
2 tuổi
Ở tuổi này, bé cảm thấy cần liên hệ với bạn và học những cách mới để thu hút sự quan tâm của bạn. Con của bạn bắt chước khá giỏi và bắt chước một cách thường xuyên. Khi chơi với những bé khác, bé thường làm theo hành động của chúng, mặc dù bé vẫn chưa chơi chung với nhau nhiều.
Bé cũng thường bắt chước hành vi của bạn – đặc biệt những việc hàng ngày như lấy đồ từ trong bao ra hoặc rửa bát, quét nhà, lau nhà. Khích lệ bé ham muốn được giúp đỡ người khác sẽ giúp bé phát triển cảm giác tự hào và đóng góp cho người khác.
Bé quan tâm đến hành động nhiều hơn là kết quả. Hành động quét quan trọng và vui hơn là nền nhà sạch. Nên nếu bạn muốn hoàn thành hoặc làm lại công việc mà bé đã làm thì nên chờ đến khi bé đi khỏi.
Bé 2 tuổi có thể trở nên khá hống hách và sở hữu – bé đang phát triển để khẳng định tính chất cá nhân và ý thức “của mình và của người khác”.
3 tuổi
Đến thời điểm này, ngôn ngữ của bé nghe đã có vẻ giống người lớn. Bé suy nghĩ bằng từ và nói nhiều hơn, đã biết sử dụng từ ngữ thay cho hành động. Thử nghiệm vẫn còn là cách học tốt nhất đối với bé, vì vậy những từ mới có thể được dùng thử – bao gồm những từ mà bạn không thích. Những từ này sẽ được loại bỏ nếu bạn không phản ứng nhiều.
Trí tưởng tượng của bé phát triển, bé sẽ bắt đầu chơi những cảnh tưởng tượng và thậm chí còn có thể tạo ra những người bạn tưởng tượng nữa.
Nói dối cũng là một phần trong sự phát triển trí tưởng tượng của bé. Nói dối cũng cho thấy một sự phát triển về nhận thức hành vi “tốt” và “xấu” – sự khởi đầu của ý thức.
Lúc này con của bạn bắt đầu cho những bé khác chơi cùng trong những trò chơi cộng tác. Đầu tiên bé sẽ thích chơi với chỉ một bé khác thôi. Nhưng sau đó, nhóm chơi dần dần đông hơn, tình bạn bắt đầu được hình thành.
Bé 3 tuổi bắt đầu biết thay đổi luật chơi hoặc gian lận để chiến thắng. Bé tỏ ra thích thú với những công việc hàng ngày.
Giờ đây bé quan tâm nhiều hơn đến sự khác biệt về giới tính. Khám phá cơ thể của chính mình và của những bé khác là cách để bé thỏa mãn óc tò mò của mình. Đây là dịp để bạn dạy cho bé sự riêng tư, tự trọng và tôn trọng người khác.
Từ độ tuổi này, bé học những kỹ năng xã hội bằng cách quan sát, bắt chước người khác và bằng kết quả của những hành động.
Cách bé cư xử trong nhóm bên ngoài gia đình sẽ phản ánh những gì mà bé đã được học trong gia đình. Con của bạn sẽ học từ những điều bạn nói, nhưng học được nhiều hơn từ những việc bạn và những người ngang hàng làm.