Có nhiều cha mẹ trẻ thấy con hay quấy khóc về đêm, hay ốm, khó nuôi… lại được thầy bói phán rằng “khắc tuổi” nên phải đem con bán khoán vào chùa. Việc bán con như vậy có ảnh hưởng gì cho đứa trẻ hay không?
Cha mẹ muốn bán cho dễ nuôi
“Con em hay ốm vặt, lại thường xuyên khóc đêm, ông bà nội ở Nam Định cứ gọi điện vào khuyên nên bán con vào chùa cho dễ nuôi. Nhưng em cứ thấy sợ nhỡ sau này có điều gì không suôn sẻ thì phải làm thế nào?” – chị Hoàng Thị Thuận có con 6 tháng tuổi, quận Tân Bình, TPHCM lo lắng cho biết.
Trong khi chị Thuận và rất nhiều người băn khoăn thì anh Hoàng Trọng Tính, nhà tại đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh tâm sự: Mình có một nhóc trai 2 tuổi, lúc nhỏ cháu hay bị ốm, ăn mọi thứ vẫn suy dinh dưỡng, lại rất bướng… Mình nghe lời các cụ đem cháu bán vào chùa.
“Dần dần cháu phát triển rất tốt, nuôi dễ, chẳng ốm đau, mọc răng không sốt, tiêm chủng cũng không sốt, ăn bột, cháo thì vèo 1 cái hết bát, sữa thì tu loáng cái cũng hết bình, ngủ cũng nhiều nên chẳng quấy vòi vĩnh đòi đi chơi… ” – anh Tính cười nói.
Mặc dù có những nhận định về việc bán con rất dễ nuôi nhưng nhiều phụ huynh lại lo lắng việc bán rồi sau này cháu lớn lên sẽ khó khăn vất vả trong hôn nhân và công danh sự nghiệp.
Chị Minh Huyền, quận 12 tâm sự: “Con mình cũng hay ốm nhưng nói đến bán vào chùa là cả nội và ngoại đều không nhất trí vì sợ ảnh hưởng sau này! Chịu khó vất vả 1 tí, dù bé hay ốm đau chút nhưng sau này thấy con hạnh phúc, thành đạt thì mình mới an tâm…”
Chỉ giải quyết về mặt tâm linh
Về việc nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết có nên bán con mình vào chùa không khi khó nuôi? Thượng tọa Thích Thiện Bảo, Trưởng Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TPHCM, Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ chia sẻ:
Việc bán con chỉ giải quyết về mặt niềm tin tôn giáo. Các thủ tục bán con thường chỉ bằng miệng, bố mẹ thấy con khó nuôi thì đưa cháu lên chùa. Tại đây thầy trụ trì sẽ chọn ngày và lên chánh điện làm lễ. Buổi lễ diễn ra cũng rất nhanh chóng, thầy thắp hương và bạch Phật, sau đó dùng nước sái tịnh và lấy tay xoa đầu cho bé.
Sau đó thầy đặt cho một cái tên (tên này khác với ý nghĩa của pháp danh – PV). Đây chỉ là cái tên của thầy đặt cho để công nhận bé là người của nhà chùa. Một số thầy cũng có thể đưa cho bé một bộ đồ vàng có dấu nhà chùa hay tượng Phật để đeo…
Sau khi làm lễ xong, bố mẹ bé có thể đưa bé ra về. Việc làm này chỉ nhằm giúp bố mẹ trẻ nuôi bé dễ hơn. Việc bán con này phổ biến diễn ra ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
“Thầy cũng có nhận mấy bé khó nuôi được bố mẹ đưa đến bán vào chùa. Ở đây họ bán luôn ít có người đến chuộc ra. Việc bán con này chỉ là hình thức nói miệng để nương nhờ oai đức của chư Tăng, Thiên thần và sự gia hộ của chư Phật cho bé.
Gửi cho Phật, đặt một cái tên khác để giúp cho bé dễ nuôi chứ có phải đi tu đâu mà ảnh hưởng đến hôn nhân và công danh của bé sau này. Việc làm này chỉ nhằm làm lành tránh dữ cho bé mà thôi” – thầy Thiện Bảo nhấn mạnh.
Tuy việc làm này hỗ trợ niềm tin nhưng cũng không nên quá lạm dụng. Có những gia đình vì quá tin vào thầy bói, khi nghe phán là cháu khắc với cha mẹ, sinh cháu ra sẽ làm ăn lụn bại hay đoản mệnh… thì tìm cách bán khoán cháu, để chùa nuôi là điều không nên.