Một số phụ huynh nghe nói trẻ em cũng bị đái tháo đường đã vội “cấm” con ăn đồ ngọt vì nghĩ sẽ dự phòng được bệnh đái tháo đường cho con. Điều này chưa hẳn đã đúng.
Thực phẩm căn bản của con người gồm có carbohydrate, chất đạm và chất béo. Carbohydrat có hai thành phần chính: đường và tinh bột. Insulin là hormone do tụy sản xuất, có nhiệm vụ đưa đường glucose từ máu vào tế bào để chuyển ra năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Thiếu insulin, glucose không được sử dụng nên “lưu hành” tràn ngập trong máu dẫn đến cao đường huyết. Khi không được dùng, glucose sẽ bị loại đồng loạt ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, nên từ đó có tên bệnh “đái tháo đường”.
Đái tháo đường có hai dạng chính:
- Đái tháo đường type 1: thường gặp ở trẻ em và người dưới 30 tuổi. Ở dạng này, tụy không sản xuất được insulin, triệu chứng bệnh xuất hiện sớm và bệnh nhân cần được điều trị lâu dài với insulin.
- Đái tháo đường type 2: thường gặp ở người trên 40 tuổi, người béo phì. Tụy sản xuất được một ít insulin, glucose được sử dụng một phần nào, vì vậy, đôi khi dấu hiệu bệnh không rõ ràng, bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi đi kiểm tra tại phòng khám.
Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể nhưng năng lượng được cung cấp phải tương ứng với hoạt động của cơ thể. Khi dư thừa, một phần gluxít sẽ được dự trữ trong các bắp thịt và gan, phần khác được chuyển thành axit béo hoặc triglycerit làm gia tăng lượng mỡ trong cơ thể. Do đó, ăn thừa chất đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì. Một công trình nghiên cứu cho thấy, nếu một hoặc cả hai bố và mẹ cùng mắc bệnh đái tháo đường thì gần 100% con cái sẽ mắc bệnh này nếu có chứng béo phì; còn nếu cả bố và mẹ đều không bị đái tháo đường thì nguy cơ bệnh đái tháo đường ở người con bị béo phì là 20%.
Những năm gần đây, số trẻ em và người trẻ mắc tiểu đường type 2 đang ngày một gia tăng vì các em ăn uống buông thả, lại ít vận động cơ thể nên bị béo phì nhiều hơn.
Để dự phòng đái tháo đường cho trẻ không phải là “cấm” trẻ ăn các thức ăn ngọt, mà cần áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý, giàu chất xơ và cho trẻ tăng cường vận động, luyện tập cơ thể. Ngoài ra, các nhà chuyên môn còn đề nghị mỗi 3 năm, mọi người nên xét nghiệm xem có bị tiểu đường không. Với những đối tượng có nguy cơ cao (tuổi ngoài 40, béo phì, có người thân bị tiểu đường…) thì nên xét nghiệm thường xuyên hơn.
BS Huỳnh Thị Thu Kiều
tran ngoc nhi đã bình luận
bị sởi có được ăn đồ ngọt không
Meyeucon.org đã bình luận
Có thể ăn uống bình thường, không phải kiêng nhé