Bây giờ, bé cũng bắt đầu “bập bẹ” để nói chuyện với mẹ. Bạn có thể giúp con phát triển ngôn ngữ bằng cách trò chuyện với con mọi lúc trong ngày. Thử mô tả những việc bạn đang làm, thậm chí đó chỉ là việc bạn đang bật máy giặt.
Khả năng nâng đầu của bé
Cơ thể bé ngày càng khỏe mạnh hơn. Trong tháng này, bé có thể nâng đầu khi nằm ngửa hay nằm sấp trong ít phút. Nếu bạn bế con theo tư thế ngồi thì bé có thể giữ đầu thẳng và ổn định trong vài phút.
Khi bé nằm sấp, bạn có thể nhận thấy bé nâng đầu và ngực theo hướng dướn lên trên ít phút. Bạn có thể khuyến khích con nâng đầu bằng cách ngồi trước mặt bé và đung đưa một món đồ chơi rồi chờ xem bé dướn người, nâng đầu nhìn đồ chơi thế nào.
Thời điểm bé biết lẫy
Nếu bạn đặt con nằm sấp, bé có thể khiến mẹ ngạc nhiên bởi bé biết lật về tư thế ngửa. Điều này là do các khớp hông, đầu gối và khuỷu tay của bé dần khỏe, linh hoạt hơn, khiến bé dễ dàng lật mình.
Bé có thể biết lẫy một cách bất ngờ mà không có dấu hiệu báo trước. Đó là lý do bạn không bao giờ được đặt con gần mép giường hoặc để bé một mình khi ngủ vì bé có thể lật bất cứ khi nào, gây nguy hiểm cho bé.
Bạn cũng có thể nhận thấy bé vẫy tay, đá chân một cách “nhiệt tình”. Và nếu bạn đặt hai chân của con xuống sàn nhà, bé có thể đẩy chân liên hồi xuống sàn nhà.
Lúc này, bé bắt đầu xòe tay rộng thay vì luôn nắm thành đấm như khi mới chào đời. Điều này giúp bé dễ dàng hơn khi chơi với những đồ chơi. Bé thậm chí còn biết nắm tay lại để vỗ một đồ chơi treo lơ lửng trước mặt bé. Những đồ chơi treo như thế sẽ hỗ trợ phát triển phối hợp tay mắt cho bé.
Bé ngủ giấc dài hơn mỗi đêm
Khoảng 3 tháng tuổi, chuyện ngủ của bé dần đi vào quỹ đạo. Một số bé ở giai đoạn này có thể ngủ liền mạch nhiều tiếng liền trong đêm, mẹ phải đánh thức bé dậy để cho bú. Dù vậy, nhiều bé vẫn rất khó ngủ giấc dài qua đêm, trừ khi bé được 6 tháng hoặc lớn hơn.
Bé bắt đầu biết quấn mẹ
3 tháng tuổi (thậm chí sớm hơn), nhiều bé đã biết mẹ rất đặc biệt. Bé có thể vẫn mỉm cười với những người khác (đặc biệt khi họ nhìn thẳng vào mắt bé và trò chuyện) nhưng bé cũng bắt đầu biết “phân loại” người này với người kia và chắc chắn, bé sẽ thích một số người hơn những người khác.
Một phần não điều chỉnh phối hợp tay mắt cho phép bé nhận diện đối tượng (đỉnh thùy) đã phát triển nhanh chóng. Và một phần não khác, giúp kết nối thính giác, ngôn ngữ, khứu giác (thùy thái dương) cũng trở nên năng động hơn. Vì thế, khi bé nghe được giọng nói của mẹ, bé sẽ quay ngay sang phía mẹ và bắt đầu “líu ríu” – cố gắng để nói chuyện với mẹ.
Đọc sách cho bé
Đọc giúp bé phát triển tốt ngôn ngữ và thính giác. Thử đọc cho con với giọng điệu to, rõ, thay đổi giọng điệu lên – xuống liên tục để nắm bắt sự quan tâm của bé. Đừng lo lắng nếu bé mất tập trung hoặc quay sang chỗ khác. Khi đó, bạn có thể thử việc gì khác hoặc đơn giản là tạm nghỉ ít phút. Bạn cũng đừng lo lắng về nội dung những cuốn sách khi đọc.
Ngoài đọc, bạn có thể kể cho bé nghe những chuyện về bố mẹ và người thân trong nhà. Hoặc kể những chuyện làm bạn mệt mỏi hay lo lắng. Đừng cảm thấy xấu hổ khi than phiền với con bởi bé thích được nghe mẹ nói chuyện.
3 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu đọc sách hay kể chuyện giống như một thói quen trước giờ đi ngủ mỗi ngày. Chọn đọc cho bé một quyển sách thiếu nhi với khổ lớn và nhiều hình ảnh. Nếu đó là cuốn sách khó rách hoặc để bé “vô tư” ngậm, nhai mà vẫn an toàn thì càng tốt.
Bạn cũng có thể dùng sách của anh chị bé để đọc cho bé, miễn nó có chữ rõ ràng và hình ảnh nét. Hoặc bạn có thể đọc thơ cho con, ngay cả khi đó là một bài thơ của người lớn.
Giúp bé sớm hiểu biết ngôn ngữ
Bây giờ, bé biết bập bẹ và “ríu rít” để đáp lại mẹ; vì thế, nói chuyện với con sẽ khuyến khích bé hiểu biết các từ. Đây cũng là khởi đầu kỹ năng giao tiếp ở bé. Nên nói chuyện khi bạn chơi với con, cũng như trong các sinh hoạt hàng ngày như lúc thay tã hay mặc quần áo cho con. Bằng cách nói chuyện, ca hát… suốt ngày với con nghĩa là bạn đã khuyến khích bé phát triển khả năng giao tiếp. Ngay cả một chuyến đi ra ngoài cũng là cách để khích lệ mẹ nói chuyện vui vẻ với con.
Với những người khác, bé cũng thích “bắt chuyện” nhiều hơn bằng cách cười, làm ồn hoặc “khua” tay chân. Kỹ năng xã hội ở bé ngày càng được mở rộng, nhiều niềm vui với bé cũng bắt đầu hình thành.
Khi bạn nói chuyện với bạn bè, nên bế bé gần đó để bé có thể nghe được những câu chuyện của mẹ. Cho dù bé chưa thể lặp lại từ nào mà mẹ nói nhưng tất cả từ ngữ bắt đầu được bé lưu trong bộ nhớ đang phát triển nhanh chóng của bé.
Sự phát triển xúc giác của bé
Bé bắt đầu cố gắng tiếp cận và chạm vào những thứ ở gần bé. Bạn có thể kích thích xúc giác cho bé bằng cách để bé chạm vào nhiều loại chất liệu, chẳng hạn như lông thú, nhung, khăn tắm, giấy ăn hoặc những cuốn sách… Bé cũng thích được vuốt ve, ôm, massage, đu đưa vì chúng giúp bé thư giãn, thậm chí có thể giúp tăng khả năng tỉnh táo và tập trung ở bé.