Cha mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Ngoài sữa mẹ, sữa công thức hay bột thì cũng nên cho bé tập ăn rau củ và một số hoa quả.
Một số thực phẩm dành cho bé giai đoạn này
– Hoa quả: quả táo, quả bơ, mơ, chuối, quả đào, xoài, đu đủ, lê, mận, bí ngô.
– Rau xanh: khoai lang, carrot, đậu Hà Lan, đậu xanh (green bean).
– Ngũ cốc (bột) ăn dặm: bột gạo, bột yến mạch.
Hiểu về giai đoạn mới ăn dặm
– Ngũ cốc dành cho bé mới ăn dặm và các loại rau củ quả nấu chín, xay nhuyễn là những món ăn đầu đời của bé. Nên giới thiệu từng món cho bé cách 4 ngày một lần. Bạn nên cho bé tập ăn một vài thìa bột gạo, song song với ăn một loại quả như quả bơ chín hoặc bắt đầu với bí ngô hay khoai lang nấu chín, dầm nhuyễn.
– Giai đoạn này, bé chỉ ăn được rau củ nghiền nhuyễn và có dạng lỏng. Đồ ăn cho bé phải dễ tiêu, bởi hệ tiêu hóa của bé còn yếu và không tiềm ẩn nguy cơ dị ứng. Những thực phẩm được cho là dễ tiêu, hợp với bé mới ăn dặm là khoai lang, carrot, bí ngô.
Bột, rau củ quả tự làm
Bột gạo
Chuẩn bị: ¼ bát bột gạo, 1 bát nước.
Thực hiện: Đun sôi nước. Thêm bột gạo vào rồi khuấy liên tục để bột không vón cục. Đun nhỏ lửa. Thêm sữa bột hoặc sữa mẹ vào, nếu muốn. Cho bé ăn ấm.
Bột yến mạch
Chuẩn bị: ¼ bát bột yến mạch, nước.
Thực hiện: Đun sôi nước, thêm bột yến mạch vào khuấy liên tục. Thêm sữa mẹ hay sữa bột, cho bé ăn khi còn ấm.
Lưu ý: Nếu không tự làm, bạn có thể mua ngũ cốc ăn dặm bán sẵn. Khi đó, cách pha bột cần tuân thủ ghi chú trên bao bì sản phẩm. Không phải thức ăn đầu tiên của bé luôn là bột gạo. Một số người mẹ chọn bơ, chuối chín hay khoai lang làm thực phẩm đầu tiên khi bé tập ăn dặm.
Đậu xanh
Đậu xanh nhiều vitamin A, C, K, niacin, folate, kali, natri, phốtpho, sắt, magiê, canxi.
Nên dùng đậu xanh đã đãi vỏ vì bé chưa thể ăn được đậu xanh cả vỏ, dù đã được xay nhuyễn. Cho đậu xanh vào nồi hấp, hấp cho chín mềm. Nghiền nhuyễn đậu xanh cùng với nước trong nồi hấp. Nhớ thêm nhiều nước hơn một chút vì đậu xanh dễ bị đặc.
Ngoài đậu xanh, có thể chế biến đậu Hà Lan theo cách này và cho bé thưởng thức. Nên tách bỏ vỏ đậu Hà Lan sau khi đậu đã hấp chín. Có thể dùng bộ lọc để loại bỏ những mảnh đậu to hay vỏ đậu.
Cách cho bé ăn: Khi mới cho bé ăn, nên bắt đầu từ từ, với khoảng 1/4-1/2 thìa thức ăn cho bé. Một số bé từ chối thìa vì chưa quen với thìa nên cha mẹ chọn cách rửa sạch tay mình, nhúng ngón tay trỏ vào bát bột ấm và bón cho bé.
Nhiều bé chỉ chịu thử một thìa bột trong bữa ăn đầu tiên. Đừng vội lo lắng vì dần dần, bé sẽ ăn được nhiều hơn.
Hoa quả
– Hỗn hợp táo nghiền nhuyễn:
Táo giàu vitamin C, A và folate, kali, magie và canxi.
Táo gọt vỏ, bỏ hạt, lõi, cắt thành khối nhỏ. Cho táo vào nồi với mực nước xâm xấp, đun cho chín mềm. Cho táo vào máy xay nghiền nát, mịn. Dùng nước luộc táo để làm táo mịn, lỏng như ý. Thêm một ít bột ngũ cốc nếu muốn hỗn hợp đặc.
Táo nướng bơ (cho bé đã ăn được bơ và biết ăn bốc, khoảng 8 tháng): Táo bổ đôi, bỏ lõi, giữ nguyên vỏ. Phết một chút bơ vào bên trong lõi táo. Cho táo vào một dụng cụ dùng được trong lò nướng. Đổ vào bát một ít nước. Đem vào nướng trong lò 400 độ C cho đến khi táo mềm, nên kiểm tra mực nước. Sau khi táo nướng chín, cắt táo thành khối hạt lựu để bé ăn bốc. Tưới thêm nước sốt táo thơm ngon lên trên.
Táo gọt vỏ, bỏ lõi, cắt khoanh, đun sôi với một ít nước cho mềm. Sau đó, cho táo và nước luộc vào máy, xay nhuyễn. Dùng thìa nạo chuối chín rồi trộn lẫn với hỗn hợp táo. Có thể cho hỗn hợp vào lò vi sóng để làm ấm, phù hợp cho bé ăn trong mùa lạnh.
Nếu bé “chê” món này, bạn nên cho bé ăn táo riêng và chuối riêng vì có thể, bé chưa quen với mùi vị của những món ăn pha trộn.
– Quả bơ:
Quả bơ giàu vitamin A, C, niacin, folate, cũng như kali, phốt pho, sắt, magiê, canxi. Gọt vỏ, dùng thìa khoét thịt của quả bơ chín, không cần đun sôi. Tiếp tục, dùng thìa dầm nhuyễn thịt bơ, không cần cho vào máy xay.
– Xoài chín:
Xoài nhiều vitamin A, C, E, K và folate, cũng như kali, phôtpho, magiê, canxi, natri.
Xoài là một trong những loại quả có thể tiềm ẩn nguy cơ dị ứng; vì thế, nên cho bé ăn khi bé được khoảng 8 tháng. Lúc này, bạn không cần luộc xoài với nước nữa mà có thể cho bé ăn trực tiếp. Xoài chín cho vào máy xay nhuyễn, thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức thành dạng sệt và cho bé ăn. 8 tháng, bạn cũng có thể cắt xoài chín thành dạng hạt lựu và cho bé ăn bốc vì giai đoạn này, bé cần học cách nhai thức ăn.
– Đu đủ:
Đu đủ chín giàu vitamin A, C, folate, kali và canxi.
Cách làm tương tự với xoài, cho đu đủ vào máy xay, thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức, nghiền thành dạng sệt. Với một số bé có hệ tiêu hóa nhạy cảm, bạn nên hấp đu đủ trong khoảng 5-10 phút trước khi cho bé ăn. Hấp chín sẽ khiến chất xơ và lượng đường trong đu đủ dễ tiêu hóa hơn.
– Lê, mận, đào:
Lê, mận, đào nhiều vitamin A, C, folate, kali, phôtpho, magiê, canxi, có thể cho bé thử khi bé được khoảng 6 tháng. Cho lê (mận, đào) đã được gọt bỏ vỏ, loại hạt, cùi cứng vào nồi hấp (hoặc luộc). Sau đó, nghiền nhuyễn rồi cho bé thưởng thức. Nêm bột ngũ cốc để hỗn hợp đặc, nếu muốn.
Với đào, ngoài cách hấp (luộc), bạn có thể nướng đào cho đến khi lớp vỏ đào nhăn nheo là đào chín. Đào nướng có vị thơm, ngọt hơn hẳn, khi xay nhuyễn sẽ kích thích bé ăn ngon.
Với những bé 8 tháng, bạn có thể cho con ăn hoa quả luôn mà không cần nấu chín. Ngoài xay nhuyễn, nên thái dạng hạt lựu để cho bé nhai.
– Bí ngô:
Bí ngô giàu vitamin A, C, K, folate, niacin, kali, phôtpho, magiê, canxi, sắt. Cho bí ngô vào một cái bát (loại dùng được trong lò nướng) có ít nước. Sau đó, cho bát vào lò nướng đến khi bí ngô chín mềm là được. Tiếp theo, cho bí ngô vào máy xay nhuyễn. Thêm ít nước lọc nếu cần loãng.
Nếu không nướng, có thể chọn cách hấp chín bí ngô rồi đem xay.
Hỗn hợp bí ngô xay nhuyễn có thể rót vào các khay đá viên rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh để bé ăn dần. Nếu bạn mua bí ngô đóng hộp thì bạn không cần nấu lại bí ngô vì khi đóng hộp, thức ăn dành cho bé đã được nấu chín. Có thể đổ bí ngô đóng hộp ra bát, hâm ấm lại rồi cho bé ăn sẽ thích hợp hơn lúc trời lạnh.