Khi bé được 11 tháng tuổi, bé bắt đầu hiểu được một số yêu cầu đơn giản, thậm chí đã biết dừng lại khi mẹ nói: “Không được”. Tuy vậy, không phải lúc nào bé cũng biết nghe theo mọi “mệnh lệnh” của cha mẹ. Bạn nên dùng từ nay khi bạn thấy những gì bé đang làm có thể gây nguy hiểm.
Bé độc lập hơn
Còn khoảng một tháng nữa, bé sẽ bước vào sinh nhật đầu tiên. Bé dần tự lập hơn nhưng bé vẫn luôn cần có mẹ bên cạnh hỗ trợ, chăm sóc bé. Khi bé học được cách đứng, cúi xuống, ngồi xổm thì sự độc lập ở bé càng bộc lộ rõ nét hơn. Bé có thể “dẫn đường” trong khi vẫn đang được mẹ xốc nách ngay đằng sau. Bé thậm chí còn biết giơ tay lên hỗ trợ mẹ khi mẹ mặc quần áo cho bé.
Vào giờ ăn, bé có thể cầm cốc nhựa uống một cách độc lập. Một khi bé bắt đầu cầm cốc, bạn cần đề phòng bé sẽ làm đổ đồ uống trong cốc hoặc ném cốc sang một bên ngay sau khi uống xong.
Cách để bé quan tâm tới sách
Cùng bé đi mua sách trong nhà sách là ý tưởng đầu tiên giúp bé quan tâm tới sách. Bạn có thể cùng con đi chọn những cuốn sách yêu thích. Bé có thể rất chăm chú trong thời gian ngắn khi nghe mẹ đọc sách hoặc giở sách nhưng tất nhiên bé chưa thể giở từng trang một. Nên ôm con vào lòng khi đọc sách bởi như thế, bạn mới dễ dàng chỉ cho bé thấy những hình ảnh gì có trong sách. Bé đặc biệt thích sách có ảnh màu rực rỡ và những trang sách nhẹ để nâng.
Lý do bé phớt lờ lời nói “không” của mẹ
Bé hiểu được những chỉ dẫn đơn giản và biết là bị mẹ cấm khi mẹ nói “không” nhưng bé vẫn “đội mũ phớt”. Để lời nói “không” có trọng lượng, bạn chỉ nên dùng nó khi bé đang tiến sát chỗ nguy hiểm. Nếu bé làm gì đó mà mẹ không muốn, nên chuyển hướng chú ý của bé sang thứ khác thay vì nói “không”. Một khi bé phải nghe mẹ nói “không” quá liên tục thì lời nói “không” ít còn ý nghĩa cảnh báo bé.
Nếu bạn thấy con kéo đuôi chú miu trong nhà, bạn nên hướng bé cách chơi với mèo phù hợp. Thử giữ nhẹ bàn tay của bé và nhìn vào mắt con, nói: “Con làm thế là bạn mèo đau đấy”. Sau đó, hướng dẫn bé vuốt ve lưng mèo một cách nhẹ nhàng.
Mong muốn khám phá của bé nhiều khi còn mạnh mẽ hơn những lời cảnh báo của mẹ. Do đó, bạn nên bảo vệ và dạy bé cách làm sao để vui chơi an toàn.
Giúp bé hiểu từ
Cha mẹ nên quan tâm tới bé khi bé nói chuyện bằng cách lắng nghe con, đáp lại nững tiếng bập bẹ của bé. Đây là cách tương tác rất quan trọng để dạy bé về cách giao tiếp hai chiều.
Ở tuổi này, bé có thể bắt chước âm thanh cũng như cử chỉ của mẹ. Bé có thể làm theo hướng dẫn đơn giản, đặc biệt nếu nó đi kèm với cử chỉ, chẳng hạn khi mẹ yêu cầu: “Lấy cho mẹ quả bóng đằng kia” kèm theo chỉ tay vào quả bóng ở góc nhà hoặc khi mẹ đề nghị bé: “Con nhặt thìa lên”. Nên giúp bé hiểu yêu cầu của mẹ bằng cách giao từng việc một, thật chi tiết. Đừng lo nếu bạn thấy con chưa hiểu gì vì chỉ 1-2 tháng nữa thôi, bé sẽ biết mẹ đang nhờ gì mình.