Tham gia các hoạt động thể thao sẽ đem lại cho bạn sự khỏe mạnh, tăng độ dẻo dai của cơ bắp, giảm bớt căng thẳng tâm lý trong cuộc sống. Với các bà bầu, điều đó sẽ giúp họ sinh bé dễ dàng và nhanh chóng phục hồi sức khoẻ sau khi sinh hơn.
Những lưu ý chung
Việc có thai của bạn bình thường, bạn là nhà thể thao và đã được tập luyện, bạn hãy tiếp tục thực hành một môn thể thao bất kỳ, trừ khi môn đó bị cấm trong lúc có thai, nhưng dù sao đi nữa bạn nên chơi vừa phải, bất cứ việc lạm dụng nào cũng có thể gây ra nguy hiểm. Vì vậy, tất cả những bài tập và những môn thể thao mạnh bạo, nhất là những môn thể thao thi đấu đều bị cấm kỵ. Nói chung, các môn thể thao đồng đội như: bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá… cần chống chỉ định. Cho dù trong suốt quá trình mang thai trước đó bạn chơi thể thao một cách an toàn và hiệu quả, nhưng đến 3 tháng cuối của thai kỳ thì bạn nên ngừng chơi thể thao, ngoại trừ đi bộ và bơi lội.
Đối với từng môn thể thao cụ thể
– Môn leo núi: Những cuộc du ngoạn ở miền núi được khuyến khích, nhưng không nên vượt quá độ cao 1000 m và bạn phải tuân thủ nguyên tắc đi là để thư giãn chứ không phải để thi tài hay chinh phục đỉnh cao, vì vậy khi nào cảm thấy hơi mệt thì bạn phải nghỉ chân ngay và cần đảm bảo tuyệt đối an toàn khi đi, chọn những nơi an toàn có nhiều người cùng đi, không nên leo núi thể dục, leo mỏn đá, leo vách đá…
– Xe đạp, xe máy: Xe đạp là môn thể thao tích cực và cũng thích hợp với phụ nữ mang thai, đặc biệt là những phụ nữ phải ngồi nhiều, ít vận động. Tuy nhiên, đi xe đạp vẫn có nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Bởi vì trọng tâm của bạn thay đổi khi mang thai, nên bạn dễ ngã hơn bình thường. Bụng của bạn khi mang thai nặng hơn cũng có thể đặt áp lực lên lưng khi ngả người về phía tay lái. Vì vậy khi đi xe đạp bạn cần chú ý:
+ Bạn nên bắt đầu đi chậm và từ từ tăng thời gian đạp xe.
+ Bạn không nên đạp xe liên tục trong thời gian quá 30 phút mà cần có thời gian nghỉ ngơi.
+ Bạn không nên đi xe ở những đoạn đường nguy hiểm như: đường gập ghềnh, lên xuống dốc, hoặc đường trơn, nhiều chướng ngại vật…
+ Bạn nên tùy vào tình hình sức khỏe của mình và thai nhi mà lựa chọn thời điểm và thời gian đạp xe cho phù hợp, bạn không nên đi xe đạp khi bạn có tiền sử xảy thai, động thai và không nên đạp xe từ tháng thứ 7 của thai kỳ.
+ Không chọn loại xe quá cao, tay lái ở xa khiến bạn phải khom lưng đè lên thành bụng.
Đối với xe máy thì bạn không nên tiếp tục với môn thể thao này khi đã mang bầu, vì nó rất nguy hiểm.
– Khiêu vũ cổ điển, khiêu vũ nhịp điệu: Hoàn toàn được khuyến khích, bạn chỉ cần lưu ý một chút về thời gian luyện tập là không nên quá lâu.
– Cưỡi ngựa: Dú rất yêu thích môn thể thao này, nhưng bạn hãy nói không với nó cho đến khi em bé ra đời hoàn toàn khỏe mạnh bạn nhé!
– Gôn: Rất tốt vì nó kết hợp giữa không khí trong lành và đi bộ nhẹ nhàng, nhưng đến khi cái bụng của bạn gây cho bạn cảm giác khó chịu thì bạn nên dừng lại.
– Chạy bộ: Tốt hơn hết là bạn không nên chạy bộ khi mang thai, cần thay thế bằng đi bộ.
– Judô: Bạn nên dừng lại môn thể thao này khi bạn bắt đầu mang thai, nếu bạn đang mang thai và bắt đầu muốn thử sức với môn thể thao này thì bạn hãy chờ cho đến khi bé yêu chào đời bạn nhé!
– Bơi lội: Cùng với việc đi bộ, đó là môn thể thao tuyệt vời nhất đối với phụ nữ có thai. Khi bạn yêu thích thể thao, nhưng vì lý do đang mang bầu mà bạn phải tạm dừng môn thể thao yêu thích của mình thì bạn có thể chuyển niềm đam mê đó sang môn bơi, có thể bạn sẽ tìm được niềm đam mê mới mà lại rất có lợi cho sức khỏe của bạn và bé.
Lợi ích của môn bơi lội mang lại cho bạn khi mang bầu đó là: Môn bơi lội là một môn thể thao tập cơ và hô hấp tuyệt vời, đồng thời được ngâm mình trong nước mát bạn sẽ thấy thực sự nhẹ nhàng và được thư giãn.
Bơi lội là môn thể thao tốt và được khuyên dùng, tuy nhiên bạn không nên quá lạm dụng nó khi mang bầu, bạn chỉ bơi để thư giãn chứ không được thi đấu, không được nhào lộn, tốt nhất bạn nên bơi ngửa hoăc bơi ếch.
– Thể thao dưới nước: Những môn thể thao được thực hiện trong môi trường nước ngày càng được phổ biến và hoàn toàn có lợi cho các phụ nữ mang thai. Nó bao gồm các bài tập luyện thở, đi bộ dưới nước, các trò chơi theo nhóm (với quả bóng chẳng hạn). Ngay cả các phụ nữ không biết bơi vẫn có thể thực hành thể thao dưới nước.
– Trượt pa-tanh: Bạn có thể trượt nhẹ nhàng nếu bạn đã quen chơi và đảm bảo không bị té ngã, còn nếu bạn chưa biết trượt và muốn thử sức thì hãy cố gắng đợi đến khi mẹ tròn con vuông rồi mình sẽ bắt đầu thử sức bạn nhé.
– Lướt ván buồm: Nếu bạn là người thành thạo với môn thể thao này thì bạn có thể tiếp tục, còn nếu bạn chưa thành thạo thì tốt nhất bạn nên dừng lại khi đang mang bầu.
– Lặn trong nước: Không nên tiếp tục môn này khi đang mang thai, dù là bạn có dùng ống thở hay không.
– Môn trượt tuyết và lướt ván tuyết: Môn này nguy hiểm với bạn và bé yêu nên bạn không nên sử dụng nó khi mang bầu.
– Môn trượt đi dạo: Nói chung với những người đã thành thạo thì không có biến cố gì, nhưng với những người chưa làm quen thì có nhiều nguy hiểm. Đặc biệt bạn không nên lẫn lộn môn trượt đi dạo với môn trượt bền dai sức, vì trượt bền dai sức được chống chỉ định trong trường hợp mang thai bạn ạ.
– Quần vợt, cầu lông và bóng bàn: Bạn có thể tiếp tục, nhưng chỉ để giải trí thôi nhé! Nếu thấy mệt thì cần phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng ngay.
Yoga: Đó là một môn thể thao và là một sự chuẩn bị tốt cho việc sinh đẻ. Tuy nhiên, khi luyện tập yoga bạn cần có giáo viên hướng dẫn và tuân theo sự hướng dẫn của giáo viên nếu muốn tác dụng tốt.