Bé bú mẹ và bé uống sữa bò có khác biệt nào trong chuyện ăn dặm không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
Ăn dặm cũng… cách tân
Bé được khoảng bốn tháng tuổi là mọi người – từ bà nội bà ngoại, cô dì, chú bác cho tới hàng xóm láng giềng và thậm chí cả người dưng cũng hăng hái cho mẹ bé những lời khuyên rất đỗi chân thành về chuyện ăn dặm. Nhưng mẹ bé hãy cẩn thận – theo năm tháng mọi thứ có thể đổi thay và chuyện ăn dặm cũng vậy. Ví như súp táo xưa nay vẫn là món mà các bà mẹ châu Âu “tin dùng” mỗi khi khởi đầu hành trình cho con ăn dặm thì giờ đây lại đang bị các thày thuốc tẩy chay vì nó chứa quá nhiều axit và có thể gây hại cho đường ruột non nớt của bé.
Tốt nhất là hãy bắt đầu cho bé ăn dặm khi những chiếc răng sữa nhú lên, nghĩa là vào khoảng tháng thứ sáu. Tất nhiên có bé mới bốn tháng đã mọc răng và có bé đến tận tháng thứ chín mới nhú ra những chiếc răng đầu tiên. Nhưng nói chung khoảng tháng thứ sáu là hệ tiêu hoá của trẻ sẽ hoàn thiện để sẵn sàng hấp thụ thức ăn mới.
Thời điểm bắt đầu ăn dặm của em bé bú mẹ và em bé uống sữa bò cũng có điểm khác biệt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng bé uống sữa bò nên bắt đầu dùng món “khai vị” (hoa quả và rau nghiền) sớm hơn – vào lúc bốn tháng tuổi. Lý do là các bé bú sữa bò không nhận được lượng vitamin và chất dinh dưỡng đầy đủ như trẻ bú sữa mẹ nên việc phải bổ sung từ những nguồn khác là cần thiết.
Bắt đầu như thế nào?
Một thứ đồ ăn mới có thể làm bé bị dị ứng hoặc đơn giản là khiến bé… sợ. Bởi vậy hãy cho bé nếm thử một cách từ tốn với một lượng nhỏ thôi – chừng hai thìa cà phê. Nếu thấy “êm” thì mỗi ngày có thể tăng khối lượng này lên gấp đôi cho đến khi đạt 100-200g trong một lần ăn. Ba ngày đầu tiên sau khi bé ăn thức ăn mới, cần để ý theo dõi tình trạng của bé. Nếu da bé phát ban, phân bé khác thường và bé có vẻ ể oải thì cần ngưng việc cho bé ăn thức ăn mới và chỉ cho bé ăn trở lại khi những dấu hiệu bất thường đã hoàn toàn biến mất. Một lưu ý nữa là không nên bắt đầu cho ăn dặm khi bé đang ốm.
Khởi đầu với món gì?
Nước rau luộc và rau củ nghiền được xem là món khởi đầu tối ưu cho bước ngoặt ăn dặm. Hãy bắt đầu từ món rau nghiền một thành phần – tức là chỉ từ một loại rau mà thôi. Còn nó là khoai tây, bí xanh hay bắp cải thì tùy bạn. Nếu sau một tuần mà không thấy bé có phản ứng gì thì ta có thể bổ sung một loại rau khác vào món nghiền và cứ tiếp tục như thế cho đến khi có thể thay một cữ bú bằng món mới. Tốt nhất là nên cho bé dùng bữa ăn dặm đầu tiên này vào buổi sáng.
Món tiếp theo trong lịch trình ăn dặm là các sản phẩm sữa chua. Nên bắt đầu với sữa chua đặc, không béo rồi bổ sung dần vào đó pho mat tươi. Cũng như đối với rau củ, trong lần cho ăn đầu tiên chỉ nên cho bé thử hai thìa nhỏ rồi cho ăn tiếp loại đồ ăn thông thường (sữa mẹ hay sữa bò). Ngày thứ hai hãy tăng khối lượng này lên gấp đôi, cho đển khi đạt 129-160g thì có thể thay thế hoàn toàn cho một cữ bú. Bữa dặm bằng sữa chua tốt nhất là để vào lúc xế chiều.
Sau tám tháng thì có thể đưa bột, cháo nghiền vào khẩu phần của bé. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại bột dinh dưỡng chất lượng cho mẹ bé lựa chọn. Nói chung nên thử nhiều loại bột khác nhau xem loại nào là khoái khẩu đối với bé. Loại duy nhất mà mẹ không nên cho bé dưới một tuổi ăn là bột trân châu vì loại bột này nó chứa nhiều gluten, có thể gây ra hại cho đường ruột của trẻ nhỏ.
Các loại hoa quả thì bé cần được ăn ngay từ tháng thứ sáu. Với lịch trình này thì khi gần một tuổi tất cả các bữa sữa hàng ngày của bé đã được thay thế bằng các thức ăn như người lớn. Nếu như bạn dự định cho con bú đến 2-3 tuổi thì hãy để dành cữ bú đó đến trước giờ đi ngủ hoặc ti vào ban đêm.
Lời khuyên cuối cùng cho mẹ bé khi thực hiện chế độ ăn dặm là hãy dựa vào cảm nhận của chính mình và lựa theo khẩu vị của bé. Chính bé con sẽ gợi ý cho mẹ rằng bé cần thứ gì, còn sách báo chỉ là để tham khảo thêm về các tiêu chuẩn chung mà thôi.