Hỏi: Tôi có mang gần 5 tháng và chồng tôi muốn tôi cùng đi nước ngoài. Một chuyến bay dài có nhiều nguy cơ đối với thai phụ không?
Trả lời: Hầu hết hãng hàng không đồng ý vận chuyển hành khách thai kỳ tối đa đến 36 tuần đối với các chuyến bay nội địa và 35 tuần đối với các chuyến bay quốc tế. Việc giảm áp lực trong máy bay ảnh hưởng rất ít đến việc sử dụng ôxy của thai nhi.
Việc không nên bay trong những thời điểm được khuyến cáo đôi khi chỉ là vấn đề bạn cần được chăm sóc bởi bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu chuyển dạ trước ngày dự sinh.
Ngoài ra, những thay đổi bất ngờ của thời kỳ này có thể khiến cho bạn nằm ngoài tầm của việc chăm sóc khẩn cấp khi đang ở trên chuyến bay đường dài.
Đối với một thai phụ có sức khỏe tốt thì việc di chuyển bằng đường hàng không là chuyện bình thường. Với những người có các bệnh lý như: thiếu máu nặng, bị viêm tắc tĩnh mạch, có vấn đề về nhau thai, bị rối loạn tiền đình hay có tiền sử các bệnh về tim mạch… thì không nên đi máy bay. Đáng chú ý, bệnh nghẽn tắc mạch (có cục máu đông) là một nguy cơ thực sự của thai nghén.
Vì thế, thai phụ có bệnh lý này tuyệt đối không nên đi máy bay thậm chí hạn chế đi đường dài bằng các phương tiện khác như ô tô, tàu…
Có một vài lưu ý đối với phụ nữ mang thai được các bác sĩ khuyến cáo. Một trong những nguy cơ cao đối với phụ nữ có thai khi đi máy bay là nguy cơ tụ huyết khối gia tăng đặc biệt ở hai giai đoạn:
– Thai dưới 12 tuần: Lúc này, quá trình hình thành thai chưa ổn định, thai chưa bám chắc vào tử cung, cộng với các triệu chứng của nghén, nên việc đi máy bay sẽ ảnh hưởng không nhỏ và có thể gây nguy hiểm cho thai phụ.
– Giai đoạn cuối thai kỳ (36 – 40 tuần): Đây là lúc mà việc chuyển dạ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, dù trước đó không có nguy cơ. Bên cạnh đó, do ngồi lâu một chỗ, không di chuyển cũng dễ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu, gây nên hiện tượng sinh non.
Khi phải di chuyển bằng đường hàng không, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để khám sức khỏe và tư vấn bác sĩ để chắc chắn mình đủ sức vượt qua chặng đường dài.