Chảy máu hậu môn thường gây ra bởi bệnh trĩ – chứng giãn tĩnh mạch trong và xung quanh trực tràng.Đây là vấn đề lo lắng của nhiều chị em khi đang mang thai. Chúng ta hãy tìm hiểu đôi điều xung quanh vấn đề này.
Nguyên nhân gây chảy máu hậu môn trong khi mang thai
Chảy máu hậu môn thường gây ra bởi bệnh trĩ – chứng giãn tĩnh mạch trong và xung quanh trực tràng. Bệnh trĩ tương đối phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng cuối và những tuần đầu sau sinh. Nếu bạn ráng sức trong khi đi tiêu, đi phân cứng, hoặc chà xát khi lau, các tĩnh mạch bị sưng lên này có thể chảy máu.
Những vết nứt hậu môn cũng là một nguyên nhân gây chảy máu trực tràng. Những vết nứt đau trên niêm mạc hậu môn có thể do bạn đi phân cứng – hậu quả của chứng táo bón thường gặp trong thai kỳ.
Chảy máu hậu môn có nguy hiểm không?
Thường là không nguy hiểm, tuy nhiên bạn vẫn cần thông báo cho bác sĩ khám thai biết để được kiểm tra chắc chắn rằng bạn không bị vấn đề về sức khỏe nào nghiêm trọng hơn.
Chảy máu do bệnh trĩ thường tự hết, đặc biệt nếu bạn thay đổi chế độ ăn uống để tránh táo bón. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, bạn sẽ cần được điều trị, và có thể cần đến một phẫu thuật nhỏ.
Ngoài ra, nếu bạn thấy máu trên giấy vệ sinh hoặc trong quần lót, đôi khi bạn khó biết được liệu những vết máu này là từ trực tràng hay âm đạo. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể xác định nguyên nhân chính xác của các triệu chứng bạn đang gặp phải.
Làm thế nào để ngăn chặn vấn đề này?
Cả bệnh trĩ và nứt hậu môn thường do táo bón gây nên, vì vậy thực hiện một chế độ ăn uống và luyện tập thích hợp để tránh táo bón sẽ hữu ích cho bạn. Dưới đây là một số lời khuyên để ngăn ngừa và giảm táo bón:
– Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như ngũ cốc, bánh mì, trái cây tươi và rau mỗi ngày.
– Uống nhiều nước – ít nhất 6-8 ly một ngày. Một ly nước ép trái cây mỗi ngày cũng rất hữu ích.
– Tập thể dục thường xuyên: Đi bộ, bơi lội, và yoga – tất cả có thể giúp giảm táo bón và khiến bạn cảm thấy săn chắc và khỏe mạnh hơn.
– Không nhịn đi đại tiểu tiện.
– Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc bổ sung chất xơ.
– Hãy hỏi bác sĩ xem việc tạm thời chuyển sang dùng một vitamin cho phụ nữ mang thai ít sắt hơn có ý nghĩa hay không.
Một số gợi ý thêm để phòng và làm dịu bệnh trĩ:
– Thực hành bài tập Kegel mỗi ngày: Co chặt các cơ xung quanh âm đạo và hậu môn của bạn, giữ như thế từ 8-10 giây, rồi thả lỏng và thư giãn. Lặp lại 25 lần. Khi luyện tập, lưu ý không dùng đến các cơ bụng, chân, lưng và mông (sau khi tập, nếu thấy mỏi các cơ này tức là bạn chưa tập đúng cách). Bạn có thể đặt tay lên bụng trong khi tập, nếu bụng hơi phập phồng thì chưa đúng kỹ thuật. Khi tập phải thở đều, chậm và sâu.
Bài tập Kegel làm tăng lưu thông máu trong khu vực trực tràng và tăng sự dẻo dai cho cơ bắp xung quanh hậu môn, giảm nguy cơ mắc trĩ. Chúng cũng tăng cường sức đàn hồi của các cơ xung quanh âm đạo và niệu đạo, do đó có lợi cho quá trình phục hồi sau khi sinh em bé.
– Một số phụ nữ cảm thấy thoải mái khi chườm đá hoặc nước lạnh vùng hậu môn, trong khi số khác thích chườm nóng. Hãy thử phương pháp điều trị luân phiên nóng và lạnh: Ban đầu là chườm bằng một túi lạnh sau đó rửa lại bằng nước ấm.
– Sử dụng giấy vệ sinh mềm, không mùi, trắng, loại này ít gây kích thích hơn các loại có màu và mùi thơm. Rửa bằng nước cũng làm dịu tình trạng của bạn. Bạn có thể sử dụng khăn giấy ướt để thay thế.
– Trong trường hợp đau khó chịu, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về một loại thuốc tê tại chỗ hoặc thuốc đặt an toàn. Có rất nhiều sản phẩm điều trị trĩ trên thị trường, nhưng bạn cần hỏi bác sĩ trước khi dùng thử bất cứ loại thuốc nào. Hầu hết các sản phẩm này chỉ được dùng trong một thời gian điều trị ngắn (một tuần hoặc ít hơn). Sử dụng lâu dài có thể gây viêm nhiều hơn.