Tình trạng trẻ em vướng vào ma túy, bạo lực học đường, nghiện game online… hoặc là các em là những nạn nhân của bạo lực và xâm hại đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Để có thể chặn đứng và từng bước đẩy lùi những điều nhức nhối trên đây, cần có sự quan tâm phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Giúp trẻ có điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, tránh xa các nguy cơ tiềm ẩn.
Gia tăng bạo lực và xâm hại trẻ em
Theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và những trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực ngày càng được chú trọng. Nhưng, tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán trẻ em vẫn diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em (trong đó trẻ bị hiếp dâm chiếm 65,9%), tính chất các vụ xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Trong đó, số trẻ sống lang thang và bỏ học bị xâm hại tình dục nhiều nhất. Tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn diễn ra khá phổ biến, bình quân mỗi năm có từ 3.000-4.000 vụ, trong đó có những vụ nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội bởi các em bị chính người thân của mình có hành vi xâm hại và bạo lực.
Theo Bộ LĐTBXH thì nguyên nhân chính của việc gia tăng bạo lực và xâm hại trẻ em là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, đặc biệt là sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, các nhóm dân cư trong xã hội làm nảy sinh các vấn đề xã hội. Những khó khăn về kinh tế của một bộ phận các gia đình dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ đã tạo điều kiện cho các hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột sức LĐ trẻ em. Theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thì để giải quyết tình trạng xâm hại bạo lực trẻ em, bóc lột LĐ trẻ em đòi hỏi sự huy động sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng, tất nhiên trách nhiệm chính vẫn là Bộ LĐTBXH. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục vận động xã hội; phát hiện can thiệp sớm và tăng cường quản lý đối tượng ngay từ cộng đồng. Phải tăng cường nguồn lực cho cả trung ương lẫn địa phương cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Trẻ em cần được quan tâm hơn nữa
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH thì Việt Nam hiện có trên 25.244.159 trẻ em (chiếm 29% tổng dân số). Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.473.815 em (chiếm 5,84%) cụ thể: 141.624 trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi; 1.223.569 trẻ khuyết tật; 21.098 trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học; 4.650 trẻ nhiễm HIV/AIDS; 32.941 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; 11.338 trẻ phải làm việc xa gia đình; 21.747 trẻ lang thang; 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục; 14.061 trẻ vi phạm pháp luật; 1.334 trẻ nghiện ma túy. Ngoài ra, số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 2.690.468 trẻ, trong đó các em sống trong các gia đình nghèo là 2.497.097 em; bị buôn bán, bắt cóc là 120 em; bị ngược đãi, bạo lực là 442 em và bị tai nạn thương tích là 132.553 em.
Trong nền kinh tế thị trường, nhiều nơi vì lợi nhuận, thu nhập nên đặt nặng việc hướng vào làm kinh tế, dẫn đến tình trạng một số sân chơi của trẻ bị thu hẹp. Nhiều nơi, sân chơi cho trẻ em không được đầu tư và đã bị trưng dụng thành nơi kinh doanh. Sân chơi cho trẻ em chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, thậm chí có một số địa phương sân chơi của người lớn nhiều hơn sân chơi của trẻ em. Việc trẻ em không được tiếp cận các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khiến các em ít có điều kiện hoàn thiện mình và tránh xa được các nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển như ma túy, bạo lực học đường, nghiện game online…