Sau khi cưới, các cặp vợ chồng đều có kế hoạch sinh em bé. Tuy nhiên, để đảm bảo cho thai nhi khoẻ mạnh và “mẹ tròn con vuông” khi sinh nở, các cặp vợ chồng muốn sinh con cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất trước khi mang thai.
1. Đánh giá và có biện pháp giảm thiểu những nguy cơ về bệnh tật
Đây là việc rất quan trọng nhằm phòng ngừa những tai biến nguy hiểm trong khi mang thai. Quy trình đánh giá này bao gồm rà soát kỹ tiền sử bệnh tật của cả vợ và chồng; kiểm tra sức khoẻ, xét nghiệm máu toàn diện.
- Trường hợp người vợ mắc bệnh tiểu đường cần được điều trị trước khi mang thai để kiểm soát lượng đường trong máu ở mức thích hợp, giúp giảm nguy cơ rủi ro và tránh không để trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
- Trường hợp người vợ mắc bệnh cao huyết áp mãn tính, cần được bác sỹ chẩn đoán tình trạng của thận, tim và phải được điều trị ổn định trước khi mang thai nhằm tránh tai biến; tìm chọn loại thuốc an toàn điều trị bệnh này trong thời gian mang thai.
- Trường hợp mắc các bệnh hoa liễu, các bệnh nguy hiểm khác, có vấn đề về cơ quan sinh sản…cần được bác sỹ khám, điều trị trước khi mang thai để giảm bớt nguy hiểm cho người mẹ và thai nhi;
Đặc biệt cần chú ý tuân thủ nghiêm ngặt kết luận của bác sỹ nếu người vợ chưa đủ sức khoẻ mang thai trong giai đoạn này.
2. Chuẩn bị tốt những điều kiện về kinh tế – xã hội
Đây là những điều kiện mang tính nguyên tắc mà các cặp vợ chồng phải tuân thủ nhằm đảm bảo cho một quá trình mang thai – sinh con – nuôi con diễn ra suôn sẻ, tránh những tai biến, rủi ro đáng tiếc, để đứa trẻ sinh ra không trở thành gánh nặng cho gia đình sau này.
Các bước chuẩn bị bao gồm:
- Chuẩn bị sẵn chế độ ăn uống đủ chất cho người mẹ khi mang thai để đảm bảo cho thai nhi phát triển hoàn thiện.
- Chuẩn bị đủ các khoản tài chính cần thiết cho việc bồi dưỡng người mẹ và thai nhi, chi phí về dịch vụ chăm sóc y tế trong quá trình mang thai và sinh đẻ.
- Chuẩn bị cho người mẹ và thai nhi sống trong môi trường trong sạch, thân thiện.
- Trước khi mang thai, người mẹ phải từ bỏ hẳn các thói quen có hại như uống bia rượu, hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thuốc ngủ… để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi sau này.
Đọc chi tiết: Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai
Nguyễn Thị Hồng đã bình luận
Chào chương trình!
Năm nay em 26 tuổi, mới lập gia đình, đã chích ngừa siêu vi B 3 tháng, và dự định sẽ chích ngừa Rubbela vào trong tháng 12/2011. Nhưng em băng khoăn muốn được bác sĩ tư vấn:
Thứ 1. Trong thời gian này em thường bị cảm, ho, liệu chích ngừa Rubbela có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Thứ 2. Trong thời gian 2 tháng sau chích ngừa Rubbela thì không nên có thai vậy cho em hỏi phương pháp tránh thai nào là tốt nhất để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé sau này?
Rất mong nhận được câu trả lời của chương trình
Em chân thành cám ơn!
Nguyễn Thị Thủy đã bình luận
Chào meyeucon, chương trình có thể cho mình biết trước khi mang bầu mình nên tiêm những loại vacxin nào, uống những loại thuốc gì và cách thời gian mang bầu bao lâu. Và trước thời gian mang bầu mình nên có những xét nghiệm gì để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Mình cảm ơn chương trình rất nhiều. Mình rất mong nhận được câu trả lời của chương trình. ^_^
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên XN xem có phản ứng huyết thanh với viêm gan B, rubella không, nếu âm tính thì nên tiêm vaccine 2 loại này và tiêm phòng uốn ván. Thường tiêm rubella có cả phòng Sởi, quai bị trong đó. Thời gian tiêm vaccine Viêm gan B kéo dài nên bạn cần thực hiện càng sớm càng tốt. Tuỳ theo loại vaccine sau tiêm 2-3 tháng mới nên có thai. Dinh dưỡng tốt là được, không cần uống thuốc gì trước khi có thai.