Đã có nhiều trường hợp phát hiện trẻ em đã tử vong cho dù buổi tối trước đó vẫn bình thường mà không rõ nguyên nhân nào gây ra điều đó. Hiện tượng này không chỉ gây ra thiệt hại về mặt tính mạng của trẻ mà còn có thể gây ra những căng thẳng, nghi ngờ, bức xúc, hiểu lầm trong gia đình, giữa gia đình với cán bộ y tế và với xã hội…
Hội chứng đột tử ở trẻ em (sudden infant death syndrome – SIDS) được định nghĩa là những trường hợp đột tử xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, mà không tìm được bất kỳ nguyên nhân nào về tiền sử bệnh tật, hiện trường tử vong và cả khi mổ tử thi. Bởi vì phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra trong khi ngủ nên hội chứng này còn được gọi là cot – death hay crib – death, chết trong nôi khi ngủ. Như vậy, tất cả các trường hợp trẻ đột tử tìm được nguyên nhân rõ ràng đều không được chẩn đoán là SIDS.
Nguy cơ mắc hội chứng SIDS
Nguyên nhân của SIDS thì chưa được rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ được cho là có khả năng làm tăng đột tử ở trẻ em. Trước hết là các yếu tố nguy cơ ở người mẹ như mẹ có thai ở tuổi vị thành niên; người mẹ không được chăm sóc, theo dõi thai sản chu đáo; người mẹ có tiền sử hút thuốc lá (người ta nhận thấy số trẻ em đột tử tăng cao ở nhóm các bà mẹ hút thuốc lá trong giai đoạn có thai).
Các nguyên nhân sau sinh bao gồm nấm phổi, mà nhiều khi bị chẩn đoán nhầm là viêm phế quản do vi khuẩn hoặc virut hay hen phế quản; trẻ thiếu cân khi sinh: trẻ sinh ra có trọng lượng từ 1.000 – 1.500g, tỷ lệ đột tử là 2,89/1.000 trẻ trong khi tỷ lệ này là 0,5/1.000 trẻ ở nhóm có trọng lượng từ 3.500 – 4.000g. Trẻ sơ sinh non tháng cũng là một yếu tố nguy cơ với tần suất gặp SIDS vào khoảng 2,39/1.000 trẻ. Một số các yếu tố khác cũng được cho là có thể liên quan đến việc đột tử ở trẻ như tiếp xúc với khói thuốc (ở gia đình có người hút thuốc); nằm úp sấp khi ngủ, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ; nhiệt độ phòng tăng hoặc giảm đột ngột; giường, chăn đệm, thú nhồi bông gây chật chội, ngột ngạt; có tình trạng thiếu máu; giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh và trẻ nam thì có nguy cơ cao hơn và đặc biệt là người ta cũng nhận thấy một tỷ lệ bị SIDS cao hơn ở nhóm trẻ ngủ cùng cha mẹ hoặc ngủ với các trẻ khác mà chưa lý giải được nguyên nhân.
Các giả thiết…
SIDS chiếm từ 15-25% các trường hợp đột tử ở trẻ em, 2/3 là trẻ em nam và 65% các trường hợp SIDS xảy ra ở giai đoạn từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4 sau sinh. Theo thống kê, SIDS là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
Để đi tìm câu trả lời cho SIDS, một số nguyên nhân đã được đưa ra. Năm 2008, các nhà khoa học Anh đã cho là nhiễm khuẩn do S.aureus và E.coli có thể là nguyên nhân khi tìm thấy hai vi khuẩn này trong một số trường hợp đột tử ở trẻ em trong giai đoạn từ 8 – 10 tuần tuổi, là lứa tuổi mà kháng thể từ mẹ truyền cho đã giảm trong khi khả năng sinh kháng thể của trẻ còn yếu. Các thương tổn não bộ ở vùng thân não cũng được tìm thấy ở một số trẻ đột tử và được cho là do tư thế nằm chân cao, đầu thấp (tư thế trendelenburg).
Năm 2010, một nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy nồng độ interleukin-2 (IL-2 – một chất điều hòa thần kinh) tăng cao trong não trẻ đột tử và IL-2 được cho là nguyên nhân gây rối loạn hô hấp, tim mạch và làm giảm hoặc mất sự thức tỉnh ở trẻ. Nồng độ interleukin-6 cũng gia tăng ở dịch não tủy một số trẻ bị SIDS và điều này có thể làm thay đổi nồng độ serotonin, một chất có liên quan đến việc cảm thụ với mức độ tăng giảm nồng độ CO2 máu. Các nhà khoa học cũng đang tiến hành nghiên cứu về vấn đề trục trặc trong việc dẫn truyền các tín hiệu từ hệ thần kinh trung ương dẫn đến những cơn ngừng thở ở trẻ giống hội chứng ngừng thở khi ngủ (sleep apnea) ở người lớn.
Tổn thương các đốt sống cổ và thân não trong quá trình sinh đẻ cũng là một nguyên nhân gây khó thở và đột tử ở trẻ. Nếu trẻ bị các thương tổn này thường khó thở khi nằm sấp và dễ thở hơn khi nằm nghiêng. Hệ thống tiền đình thuộc tai trong có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp thở khi ngủ và rối loạn nhịp thở có thể xảy ra ở trẻ bị tổn thương tai trong ở những sản phụ có cơn co tử cung kéo dài trong quá trình chuyển dạ. Hội chứng QT kéo dài, thiếu hụt acid béo beta-oxidation cũng có thể là nguyên nhân của SIDS. Một số các nguyên nhân khác có thể gây ra SIDS như NO2; các chất độc và khí độc trong chăn ga gối sản xuất không đảm bảo chất lượng; tiêm vaccin; vitamin C và thậm chí có nguyên nhân cố ý làm trẻ tử vong cũng đang được tìm hiểu.
Phòng tránh được không?
Như đã đề cập ở trên, hội chứng đột tử ở trẻ em – SIDS – có nguyên nhân chưa được rõ nên việc dự phòng chủ yếu là loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, tốt nhất là bằng sữa mẹ; nên cho trẻ nằm đầu cao; giữ cho phòng thoáng mát, thông khí bằng quạt gió; không nên trùm chăn kín đầu trẻ. Đặc biệt chú ý chăm sóc các trẻ sơ sinh thiếu cân, non tháng; trẻ có mẹ ở tuổi vị thành niên, mẹ nghiện rượu, nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng các chất ma túy khác; trẻ ở gia đình có người mắc các hội chứng gây rối loạn nhịp tim bẩm sinh… và cuối cùng, tất cả các trẻ em phải được chăm sóc, theo dõi chu đáo, kịp thời phát hiện các bất thường ở trẻ để có thể đưa đến khám và điều trị bởi các thầy thuốc chuyên khoa.