Hiện có một số bệnh viện chấp nhận cho người chồng hoặc người thân ở trong phòng đẻ để có thể hỗ trợ sản phụ trong lúc sinh nở. Những sự hỗ trợ từ người thân, đặc biệt là của người chồng sẽ mang lại cho sản phụ cảm giác an toàn và họ sẽ cùng nhau đón nhận giây phút thiêng liêng, đáng nhớ trong cuộc đời.
1. Cần hiểu được vai trò của mình
Giống như các ông chồng khác, bạn có thể sẽ cảm thấy hồi hộp và bồn chồn, lo lắng hoặc lóng ngóng không giúp đỡ được cho vợ như ý muốn. Điều quan trọng là bạn phải hiểu biết càng nhiều càng tốt để có thể đáp ứng một cách hiệu quả những nhu cầu thuộc về tinh thần cũng như thể chất của vợ trong lúc chuyển dạ. Cụ thể, bạn cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc chuyển dạ và sinh con, nếu có điều kiện thì tốt nhất là bạn nên tham dự một khóa học tiền sản, vì tại các lớp dạy tiền sản sẽ có hình ảnh diễn tả lúc chuyển dạ và tác dụng của các cơn co thắt, đặc biệt trong khóa học, bạn sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật để giúp cho vợ được thư giãn trong lúc chuyển dạ.
Nếu vợ sinh ở bệnh viện, bạn nên đến tham quan các phòng sinh và phòng nằm lúc chuyển dạ ở bệnh viện và hãy tự giới thiệu với các nhân viên ở đó, như vậy bạn sẽ không cảm thấy mình là kẻ ngoài cuộc khi đưa vợ đi sinh. Trong trường hợp, vợ bạn sinh con tại nhà, bạn hãy nắm chắc con đường dẫn đến bệnh viện, phòng khi có bất trắc xảy ra.
2. Làm thế nào để phụ giúp vợ trong suốt cơn chuyển dạ?
Bạn có thể đóng một vai trò rất chủ động trong suốt thời gian chuyển dạ và sinh nở của vợ. Đôi khi, sự hiện diện của bạn trong phòng sinh đã là tất cả những gì mà sản phụ cần đến. Nếu nắm chắc kế hoạch sinh của vợ cùng với những thay đổi nếu có, bạn sẽ biết được vợ muốn gì và có những quan tâm, chăm sóc chu đáo. Cụ thể, bạn có thể động viên tinh thần, giúp vợ có thêm động lực để vượt cạn; xoa bóp chân, tay và trợ giúp những thứ mà người vợ cần…
Sử dụng trực giác của mình
Bạn cần phán xét được tình hình trong khi quan sát những tâm trạng khác nhau của vợ và đáp ứng ngay các yêu cầu cần thiết, nếu có thể. Ví dụ, cô ấy rất có thể muốn được yên tĩnh khi đang bị đau bụng, không muốn bị đụng chạm vào người, hoặc cô ấy có thể rất cần được khích lệ bằng một lời nói hay, một việc làm nào đó cho quên đi cơn đau.
Hãy là chỗ dựa về mặt tinh thần cho vợ
Bạn nên thường xuyên ở bên cạnh vợ, nói những lời an ủi ân cần, yêu thương, cử chỉ từ tốn và điềm tĩnh. Bạn luôn chủ động: nói những lời động viên, khen ngợi, có thể vì quá đau nên vợ bạn không giữ được thái độ bình tĩnh, cho nên hay cáu gắt và bạn cần hiểu điều này, tuyệt đối không nóng tính, bực bội với vợ. Nếu vợ muốn nghe giọng nói của bạn, hãy luôn luôn tìm cách nói chuyện. Luôn luôn động viên và khen ngợi những cố gắng của vợ, vì cô ấy dễ lo lắng, không biết sẽ còn phải chịu đựng bao lâu nữa. Hãy từ từ mát xa và vuốt ve vợ, nhưng nếu cô ấy chỉ muốn nắm lấy bàn tay của bạn, bạn hãy biểu lộ sự trìu mến của mình thông qua nét mặt và ánh mắt. Tất cả những cố gắng của bạn có thể giúp cho người vợ chịu đựng được cơn đau.
Làm tan sự mệt mỏi
Trước cơn chuyển dạ, hãy khuyên vợ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, nhất là nếu cô ấy đã tốn nhiều sức dọn dẹp phòng em bé, nhà cửa suốt thời kỳ chuẩn bị cho bé yêu chào đời. Nếu chuyển dạ dài và mệt mỏi, hãy giúp vợ thư giãn giữa các cơn co thắt để giữ sức cho giai đoạn kế tiếp. Nếu cô ấy muốn ăn, cứ cho ăn càng nhiều chất bổ dưỡng càng tốt. Bạn hãy dùng một chiếc khăn mát để thường xuyên lau mặt cho vợ giúp vợ bớt mệt mỏi.
Hãy giúp vợ đương đầu với cơn đau
Thật khổ tâm khi thấy người mình yêu thương đang phải chịu đau đớn, nhưng hãy cố gắng không được biểu lộ sự lo lắng của mình – điều này sẽ làm cô ấy mất hết can đảm. Mặt khác, đừng nghi ngờ sự đau đớn của cô ấy. Hãy nhìn nhận điều ấy một cách tích cực, nói rằng mỗi cơn đau sẽ cho bé ra đời sớm hơn một chút và nên tìm cách để xoa dịu cô ấy. Đừng để cô ấy thấy ngượng khi than đau – hãy khuyến khích cô ấy bộc lộ thoải mái. Một phụ nữ trong cơn chuyển dạ đừng bao giờ nên xấu hổ về nhu cầu được giảm đau.
Nếu cô ấy thật sự lo âu trong suốt cơn co thắt, bạn hãy cố gắng xoa dịu những sự sợ hãi của cô ấy bằng cách, cùng bàn xem cô ấy đã cảm nhận ra sao trước khi cơn co thắt kế tiếp xảy ra.
Hãy giúp vợ kiểm soát nhịp thở và thư giãn
Rất có thể bạn đã thực tập các phương pháp người mẹ nên chọn trong các lớp học tiền sản, nhưng bạn hãy để cô ấy tuân theo nhịp điệu của riêng mình. Nếu cô ấy tỏ ra mất tự chủ, hãy lại gần bên và từ từ hướng dẫn cô ấy làm theo cách đã sắp đặt cho đến khi đủ tự tin để tiếp tục một mình. Hãy chuẩn bị để thích ứng – có rất ít người theo được một cách chính xác những gì họ đã thực tập trong các lớp học tiền sản.
Chính bạn là nguồn hỗ trợ to lớn giúp cho vợ giảm khó chịu. Hãy đề nghị các tư thế nằm, ngồi khác nhau như: dùng nệm, mền để đỡ lấy cô ấy, hoặc để cô ấy tựa vào người của bạn và vuốt ve, an ủi vợ. Bạn hãy để ý các dấu hiệu căng thẳng trên cổ, vai, trán và hãy xoa nhè nhẹ vào những nơi ấy. Mát xa cũng làm giảm căng thẳng và nếu cô ấy đang dùng các kỹ thuật xoa bóp mà cô đang nhớ lại thì bạn hãy thư thả nói chuyện để cô ấy thực hiện đầy đủ. Bạn cũng có thể lau tay và mặt cho vợ để dễ chịu. Đi tất hoặc đắp chăn khi khi cô ấy lạnh. Và khi cơn chuyển dạ bắt đầu, tuy cô ấy không muốn nói nhiều, nhưng bạn phải biết giao tiếp được bằng cử chỉ hay ánh mắt.
Giúp vợ giải quyết các công việc
Khi đưa vợ đi sinh, người chồng có thể làm được nhiều việc để giúp vợ trong cơn chuyển dạ, không chỉ cho vợ được dễ chịu và an tâm mà còn liên lạc với nhân viên bệnh viện thay cho vợ. Công việc của chồng khi vợ sinh là:
Trả lời các câu hỏi giùm vợ (nếu được cho phép) và điều này làm vợ không bị mất tập trung vào việc sinh nở.
Giúp đỡ vợ thay đổi tư thế nằm, ngồi theo ý vợ để giảm đau.
Vuốt ve hoặc xoa bóp cho vợ để cô ấy cảm thấy dễ chịu hơn.
Đổi thay không gian trong phòng (như vặn đèn cho bớt sáng, đổi loại nhạc khác).
Yêu cầu người khác đi ra ngoài, nếu họ tụ lại quá đông quanh vợ của bạn.