Nhiều con số thống kê cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ bé trai bị xâm hại tình dục tương đương, thậm chí là cao hơn bé gái. Thế nhưng, dường như gia đình và xã hội mới chỉ quan tâm đến việc bảo vệ bé gái và quên mất việc bảo vệ bé trai.
Kết quả dự án phòng chống bạo hành đối với đồng tính nam tại Việt Nam năm 2010-2011 cho thấy, nếu căn cứ vào định nghĩa về xâm hại tình dục của công ước quyền trẻ em thì có đến 50% người tham gia bị lạm dụng tình dục trước 18 tuổi.
Trong đó, sự xâm hại xảy ra trong giai đoạn dậy thì, bao gồm cả đồng thuận hoặc không. Đa số người bị hại không cho mình bị xâm hại hay lạm dụng cho đến khi chia sẻ trong phỏng vấn sâu và được xác định là bị xâm hại. Lý do là vì người tham gia nghiên cứu khi đã trưởng thành và nhìn lại quá khứ.
Những hình thức xâm hại mà họ gặp phải là bị kích thích bộ phận sinh dục và yêu cầu làm lại cho đối tượng. Dù thế vì ngại mà nạn nhân thường chịu đựng. Hậu quả là chính bản thân họ thấy sợ hãi, ghê sợ bản thân, băn khoăn về xu hướng tình dục của mình. Có người đau đớn tìm cách tự tử…
Một nghiên cứu khác công bố năm 2006, với sự tham gia của gần 3.000 học sinh (13-18 tuổi) tại quận Đống Đa, Hà Nội và huyện Chí Linh, Hải Dương cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, có đến 20% số nam sinh cho biết từng bị xâm hại tình dục, trong khi đó tỷ lệ này ở nữ là 18%.
Kết quả cũng tương tự với nghiên cứu của tiến sĩ Reina Micheelson, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc năm 2004 ở người lớn, trẻ em tại Hà Nội, Lào Cai, An Giang. Kết quả cho thấy trẻ em nam bị xâm hại cao hơn nữ. Gần 9% những người tham gia cho biết họ từng bị động chạm vào vùng kín, gần 7% bị đụng chạm một lần hoặc hơn. Số nam (bao gồm cả trẻ nam và nam giới cho biết những gì họ trải qua ngày còn nhỏ) lớn gấp đôi số lượng trả lời từ những người tham gia là nữ và trẻ em gái.
Cũng vì thế, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em nam được chọn là một trong những nội dung được thảo luận tại hội nghị quốc gia mới đây về sức khoẻ và tình dục.
Bà Đinh Thị Nhung, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số cho biết, trên thực tế không chỉ có các bé gái bị xâm hại mà số trẻ em nam bị xâm hại cũng chiếm tỉ lệ cao. Thế nhưng vấn đề xâm hại tình dục với trẻ em nam lại ít được đề cập đến ở Việt Nam. Văn hoá người Việt coi trọng trinh tiết và bảo vệ trẻ em gái – phụ nữ hơn là nhận thức trẻ em nam cũng có thể bị xâm hại. Bên cạnh đó, do sự nhận thức chưa đầy đủ về sự đa dạng các hành vi tình dục mà nhiều người chỉ nghĩ tình dục khác giới mà không nhận thức được những sắc thái khác của xâm hại tình dục.
Ngay cả quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em cũng không nêu rõ người bị hại là nam hay nữ. Các chương trình bảo vệ không được thiết kế với tính đặc thù của các nhóm (trẻ em nam, trẻ em nữ, nhóm đồng tính…). Các tài liệu hướng dẫn cho phụ huynh hoặc giáo viên về giáo dục tình dục với trẻ đều chỉ nhìn nhận nhóm nữ là đối tượng bị hại.
Theo bà Nhung, trẻ em nam có thể bị xâm hại tình dục bởi nữ giới, thậm chí có em bị chính mẹ mình xâm hại, nam giới dị tính (những người căm ghét những người nam giới ẻo lả hoặc do thiếu bạn tình nữ…), người đồng tính, người ấu dâm… Nhiều nghiên cứu cho rằng những tác hại về thể chất, tâm thần, với các em nam bị xâm hại tình dục tương tự như các em nữ. Tuy nhiên cũng cần xem xét đến yếu tố văn hóa.
“Nếu trong một nền văn hóa ghê sợ đồng tính và không nhận diện được những mối nguy về tình dục với trẻ nam, thì rất nhiều em bị vấn đề tâm thần, bối rối về nhân dạng. Thậm chí, nhiều người sau này có thể trở thành những người xâm hại tình dục trẻ em”, bà Nhung chia sẻ.
Theo bà, câu chuyện về ai xâm hại ai, ai lạm dụng ai cũng rất phức tạp. Rất nhiều trường hợp bị xâm hại mà không biết và coi đó là chuyện bình thường và lặp lại hành vi với những em nhỏ khác. Vì thế với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em nam, có thể có nhiều người chưa chắc đồng tình vì cho rằng có yếu tố đồng thuận ở trong đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của Liên Hợp Quốc, dù các em có đồng thuận tham gia thì đó vẫn là “sexual abuse”- lạm dụng hoặc xâm hại tình dục.
Để hạn chế tình trạng trẻ em nam bị xâm hại tình dục cùng những hệ lụy kéo theo, các chuyên gia cho rằng cần đưa nội dung xâm hại tình dục vào chương trình giáo dục tình dục cho trẻ em, nên đề cập đến cả nam lẫn nữ để tạo sự công bằng, tăng cường truyền thông các dịch vụ hỗ trợ cho những nạn nhân nam bị xâm hại tình dục…