Có một thực tế là nhiều năm nay học sinh không hứng thú với môn Sử nhà trường. Nếu nghĩ, giới trẻ không thích học Lịch sử nước nhà, là không có cơ sở. Nhưng làm cách nào để môn lịch sử không còn là “nỗi chán chường” của học sinh?
Chơi mà học là một biện pháp bổ ích, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức dưới dạng giải trí nhẹ nhàng. Cách học này, không chỉ dành cho học sinh nhỏ tuổi, mà phổ cập cho nhiều lứa tuổi, kể cả người lớn. Không chỉ là những kiến thức phổ thông trong nhà trường mà cả những hiểu biết xã hội, những kiến thức nghiêm túc. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã cho hình thành một câu lạc bộ, đưa kiến thức lịch sử đến với học sinh bằng những chuyên đề ấn tượng, nhưng hết sức sâu sắc. Câu lạc bộ được thành lập cách đây 5 năm, có tên gọi: “Chúng em yêu Lịch sử”. Thạc sỹ Nguyễn Kim Thành , cán bộ phòng Giáo dục của Bảo tàng là một trong những thành viên xây dựng ý tưởng này, và chủ trì nhiều nội dung sinh hoạt cho một số trường Hà Nội. Sau đó mở rộng ra nhiều địa phương khác.

Có một thực tế là nhiều năm nay học sinh không hứng thú với môn Sử nhà trường. Nếu nghĩ, giới trẻ không thích học Lịch sử nước nhà, là không có cơ sở. Điều quan trọng là đưa kiến thức đến với các em như thế nào. Đó là việc của các thầy cô giáo và ngành giáo dục. Còn tại Bảo tàng Lịch sử, một không khí tiếp cận lịch sử thật sinh động, hào hứng cho tất cả các em đến tham gia sinh hoạt. Từ học sinh tiểu học đến học sinh cấp ba. Không chỉ với học sinh Hà Nội, mà ở các địa phương khác, phụ huynh và các em cũng rất nhiệt tình, ghi lại những cảm tưởng hết sức ấn tượng.
Hơn sáu mươi chuyên đề, mỗi chuyên đề hướng đến những nội dung lịch sử cụ thể. Những hiện vật cụ thể, minh họa sinh động những bài đã được học trong trường lớp. Với chuyên đề “Biển đảo Việt Nam”, các em học sinh được tham quan phòng chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam”. Trước khi bước vào cuộc thi, trả lời các câu hỏi, hai đội cùng khởi động bằng một trò chơi lý thú “Vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra biển đảo”. Trong một thời gian nhất định, đội nào chở được nhiều nước cho các chiến sĩ hải quân, đội đó thắng cuộc. Nhân đó, các em đươc nghe quá trình xác lập đảo và tên đảo trong khu vực biển Đông mà lịch sử của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc đã để lại bằng những văn bản xác thực.Lời một bài hát thật giản dị mà cảm động trong buổi học Lịch sử tại bảo tàng: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc-Nam/Chiến tranh chỉ được nghe qua câu chuyện của cha/Tôi lớn lên, tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Chỉ còn lại trong ký ức của mẹ…”. Đó là gì, nếu không phải là lịch sử. Con cháu lớn lên, hiểu về một thời gian khó của nhân dân, của đất nước chiến tranh.
Học Lịch sử thông qua những hiện vật, những câu chuyện kể chân tình ấm áp của cha ông, những trò chơi, khám phá lịch sử thú vị…đã đưa giới trẻ vào lịch sử, không chỉ bằng những con số, tên người, địa danh, mà còn là những ấn tượng sinh động, những cảm xúc giàu sức truyền cảm. Lịch sử đi vào tâm hồn các em, sẽ không bao giờ phai nhòa.