Cha mẹ phải làm thế nào để chẩn đoán xem trẻ có bị động kinh hay không? Khi trẻ khóc, lên cơn co giật hoặc gồng người tím tái… có phải là những dấu hiệu không tốt cho sức khoẻ của trẻ.
BS Đinh Việt Hùng, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 trả lời: Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức và nhất thời của các tế bào thần kinh ở não.
Tỷ lệ người bị động kinh vào khoảng 0,5 – 0,7% dân số, tỷ lệ mắc hằng năm là 20 – 70 người trong 100.000 dân. Đa số động kinh xảy ra ở trẻ em (khoảng 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và 75% số người động kinh dưới 20 tuổi).
Tỷ lệ động kinh ở nam và nữ tương đương nhau, có khoảng 10 – 25% bệnh động kinh có yếu tố gia đình.
Chẩn đoán động kinh trẻ em dựa trên cở sở lâm sàng và điện não. Về lâm sàng: Cơn xuất hiện đột ngột, cơn lặp lại giống nhau, ít nhất đã có hai cơn, trong cơn có rối loạn ý thức, mất định hướng và thường xảy ra trong đêm.
Về điện não: Ghi trong cơn có sóng động kinh điển. Trẻ khóc, lên cơn co giật, gồng người tím tái… là dấu hiệu không tốt cho sức khoẻ. Nhưng dấu hiệu đó chưa chắc là cơn động kinh.
Hạ canxi máu hay sốt cao cũng gây co giật. Nếu do hạ canxi máu, sẽ co các cơ ở bàn tay, xét nghiệm máu có hạ canxi. Nếu co giật do sốt cao, cơn hầu hết là cơn toàn thể (co giật toàn thân).