Hỏi: Chào bác sĩ!
Hiện nay, tôi đang bị bệnh lao nhưng tôi rất muốn có con. Bệnh này có ảnh hưởng đến thai nghén không? Bệnh có trở nên nặng thêm khi mang thai? Thuốc chữa lao có ảnh hưởng thế nào đến thai nhi không, thưa bác sĩ? Xin bác sĩ cho tôi vài lời khuyên?
Cảm ơn bác sĩ!
Trả lời: Chào bạn!
Lao không phải là bệnh di truyền. Vi khuẩn lao thường không đi qua được rau thai để gây bệnh bẩm sinh cho thai. Trẻ đẻ ra nếu không tiếp xúc với mẹ hay những người bị lao khác thì cũng không bị mắc bệnh. Vi khuẩn lao cũng không gây dị dạng cho thai như một số loài virus đã được biết.
Với người có thai bị lao, bản thân bệnh không gây sẩy thai hay đẻ non; nhưng nếu bà mẹ không được chữa chạy để bệnh tiến triển thì sức khỏe giảm sút, ăn uống kém, hô hấp bị hạn chế, thai nhi có thể bị suy và chậm phát triển vì thiếu dinh dưỡng.
Một số trường hợp bị lao khi có thai lại thấy có vẻ dễ chịu hơn do dạ con to lên, đè vào cơ hoành, gây ép phổi (ép phổi là cách chữa lao phổi thời xưa). Tuy vậy, sau khi đẻ, lồng ngực giãn rộng ra, sức khỏe của sản phụ lại suy giảm nên bệnh lao dễ “bùng” lên, tiến triển rất nhanh, dễ dẫn đến tử vong.
Ngày trước, nhiều bà mẹ sau đẻ gầy xanh, hâm hấp sốt, ho khan, cuối cùng ho ra máu và chết trong tình trạng suy kiệt. Dân gian gọi là “hậu sản mòn”, thực chất là lao phổi tiến triển sau khi đẻ. Vì thế, trước đây, khi một nữ bệnh nhân lao có thai, thầy thuốc thường chỉ định phá thai để tập trung chạy chữa cho bà mẹ.
Ngày nay, đối với một phụ nữ đang bị lao, lời khuyên của bất cứ thầy thuốc nào cũng là chưa nên có thai, để dành thời gian, thuốc men, tiền bạc và sức khỏe cho việc điều trị bệnh. Nhưng nếu đã có thai rồi mới phát hiện có bệnh lao, hoặc trong lúc đang có thai bị mắc lao thì vẫn có thể để thai phát triển; bệnh nhân cần được theo dõi, điều trị chu đáo. Việc phá thai chỉ đặt ra cho những trường hợp bệnh quá nặng, sức khỏe người mẹ quá yếu, sự đáp ứng với thuốc bị hạn chế.
Cho đến nay, người ta thấy những thuốc tốt đặc trị bệnh lao như INH (rimifon) và ethambuton không có ảnh hưởng xấu cho thai nghén, không gây dị dạng cho thai. Streptomycin thì ngay từ xưa đã được biết là thuốc độc đối với dây thần kinh thính giác, gây điếc cho người bệnh và cả cho thai, vì thế hầu như không dùng để điều trị cho các bệnh nhân lao đang thai nghén.
Nếu bắt buộc phải dùng thì thầy thuốc phải cân nhắc liều dùng rất thận trọng. Rifampixin cũng là thuốc chữa lao rất hiệu quả hiện nay, có khả năng gây dị dạng cho vật thí nghiệm, với người thì chưa thấy hậu quả tai hại đó, nhưng cũng nên tránh dùng thuốc này trong ba tháng đầu của thai kỳ.