Khi chăm sóc trẻ, do vụng về, thiếu kinh nghiệm và… lười nhác mà nhiều bậc phụ huynh đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, nhất là đối với người làm cha mẹ lần đầu tiên.
Nuôi con sai cách…
Bé Zo 2 tuổi cao 88cm, 15 kg, ai cũng khen chị Trinh (Từ Liêm, Hà Nội) nuôi con mát tay. Chị phải tự thừa nhận rằng, “cháu được như thế này, tất cả cũng nhờ bà giúp nấu cháo cho mỗi ngày”.
Biết công việc của con dâu bận rộn nên bà thường dậy sớm đặt nồi nấu cháo đủ chất dinh dưỡng cho cháu cưng ăn. “Trộm vía” nhờ nồi cháo thơm phưng phức của bà hàng ngày, Zo ăn ngon lành và chóng lớn.
Nhờ được bà, chị Trinh giao phó công việc “bếp trưởng” từ cho trẻ con đến người lớn cho bà.
Điều đáng nói là một ngày “không mong đợi xảy ra” khi bà buộc phải sang Mỹ để chăm cô con dâu thứ 2 mới sinh. Nghe đến dự kiến là 6 tháng sau bà về mà chị mặt mày hốc hác lo lắng.
Ngày bà đi, chị mới nhận ra việc bếp núc thật phức tạp. Chị biết, lười thì lười, người lớn có thể luộc tạm gói mỳ nhưng con thì vẫn phải cần cháo.
Hôm đầu, chị tung hoành với đống rau củ quả thịt thà suốt 1 giờ đồng hồ dưới bếp nhưng xem ra Zo không thích cháo mẹ làm lắm, cho con ăn thì bé toàn quay đầu đi hoặc phun ra…
Công việc thì nhiều mà con lại chẳng chịu hợp tác, đúng lúc ấy nghe cô hàng xóm mách “ăn cháo dinh dưỡng ngoài chợ ngon bổ rẻ, lại không phải lích kích nấu nướng, mày chạy ra mà mua” thế là hàng ngày chị cứ tạt qua tiệm cháo 3 lần mua về cho con ăn. Nhìn con ăn ngon lành, chị ấm lòng và lại tiếp tục chúi đầu vào đống công việc bộn bề của mình.
Cũng vì thiếu hiểu biết mà chị Ngọc (Ngọc Hà, Hà Nội) suýt hại Bé Bo (3 tuổi). Bé đòi ăn nhưng chị Ngọc quyết cho bé nhịn chỉ vì nghe lời bạn mách: “khi con bị tiêu chảy, càng ăn càng uống nước thì càng tóe mạnh… tốt nhất là nên hãm ăn, hãm uống nếu có ăn cũng chỉ ăn cơm trắng mà thôi”.
Đang quen cơm với thịt cá trứng, tự dưng bị mẹ cho ăn cơm trắng, bé không thích, bé đòi uống sữa, uống nước nhưng chị dứt khoát cho nhịn. Thế là dù bé khóc ngặt ngặt đòi ăn chị cũng dỗ bé chơi cho con quên cơn đói…
Cũng là một bà mẹ vụng và chuyên nghe ngóng, áp dụng phản khoa học các phương pháp nuôi con, chuyện mà chị Thủy (Đông Anh, Hà Nội) mắc phải cũng khá kinh điển.
Ngay từ khi sinh con đầu lòng, một phần vì thiếu kinh nghiệm, phần khác vì suy nghĩ “con người ta nuôi sao thì con mình cũng nuôi được vậy” nên chị luôn cố gắng “căng tai” lên để nghe những lời khuyên của các bậc tiền bối đi trước. Hễ thấy con có biểu hiện gì lạ là ngay lập tức chị lân la, dò hỏi rồi ai nói gì là chị về áp dụng triệt để, không cần biết mẹo đó có đúng hay không.
Điển hình như hôm thấy bé Tuấn hay giật mình thảng thốt, hỏi mọi người, chị nghe bạn mách cách chăm sóc trẻ sơ sinh an toàn nhất đó là cho bé nằm trong bóng tối vì như vậy bé sẽ thấy an tâm vì giống trong bụng mẹ hơn.
Ngẫm thấy có lý, chị đóng kín cửa, buông hết rèm che, để con nằm trong phòng “âm u”, tối mù, không biết gì đến ánh sáng là gì. Thời gian đầu thấy con nằm im re chị càng thấy an tâm và nghĩ rằng: “vậy là con thấy thoải mái, an toàn”…
… mẹ suýt hại con
Chị Trinh vẫn khăng khăng chắc nịch một điều rằng Zo ăn cháo ngoài chợ không có vấn đề gì. Cứ thế cho ăn đợi bà nội về thì quay lại các cữ cháo bà nấu. Cho đến một hôm, bác đằng nội qua chơi, bác ngạc nhiên khi thấy tháng trước Zo “ngon nghẻ” mà tháng này Zo gầy rộc người. Chị Trinh ngờ ngợ, cho Zo lên cân, thì mới giật mình khi cân của Zo tụt thảm hại.
Đưa con đến bệnh viện kiểm tra, chị được bác sĩ dinh dưỡng cho rằng bé bị chững cân cũng chỉ vì bữa ăn hàng ngày thiếu chất.
Chị Trinh không phải là trường hợp duy nhất vướng vào tình huống này. Thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh bận rộn thường mua cháo dinh dưỡng chế biến sẵn bán ở những điểm không có kiểm định chất lượng về cho con ăn. Nhiều trẻ do ăn cháo dinh dưỡng mua không đảm bảo nên kéo theo việc không tăng cân do cháo loãng, không đủ chất dinh dưỡng.
Trường hợp bé Bo con chị Ngọc, sau 1 ngày “cấm vận”, Bo lăn ra tiêu chảy nặng hơn, người bé cứ dần lả đi, kiệt sức. Lo lắng khôn cùng, đưa con đi khám chị Ngọc mới biết vì con ăn uống không đủ chất nên ốm càng ốm, mệt càng mệt. Bác sĩ khuyên rằng, càng những lúc con bị tiêu chảy thì bố mẹ càng cần duy trì chế độ ăn hợp lý cho con.
Thức ăn cần lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, béo, đạm, rau). Quan niệm con uống nước sẽ tiêu chảy nhiều lần là không có căn cứ khoa học. Không được uống nước đồng nghĩa với việc làm bé bị thiếu nước nặng, dẫn đến rối loạn nước điện giải, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không kịp thời can thiệp.Việc ép bé ăn cơm (hoặc cháo) không sẽ nhanh chóng khiến bé kiệt sức, suy dinh dưỡng.
Đối với bé Tuấn, sau khi được “bọc” kỹ trong bóng tối mấy ngày, đến khi đưa con đi tắm, chị Thủy mới tá hỏa khi phát hiện ra hàng loạt những bất thường ở con: vàng da, mẩn mụn nổi khắp người rồi bé hay dậy đêm khóc suốt, dỗ kiểu gì cũng không ngủ.
Đến khi đưa con tới bệnh viện, chị mới giật mình lo lắng vì sự kém hiểu biết của mình mà suýt hại con. Cũng như chị Thủy, nhiều bà mẹ có quan niệm, sau sinh mẹ và bé nên nằm ở phòng tối, kín gió. Nhưng thực tế, căn phòng thiếu ánh sáng không hề tốt cho sức khỏe của hai mẹ con. Đồng thời, không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, trẻ con sẽ phát triển không toàn diện, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.