Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây cho thấy, tình trạng trẻ bị bắt nạt có thể làm thay đổi cấu trúc của gene điều khiển tâm trạng, dễ gây căng thẳng. Các nạn nhân bị bắt nạt có nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi trưởng thành.
Một nghiên cứu vừa được công bố bởi các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu trầm cảm và Trường ĐH de Montreal (Canada) cho thấy, tình trạng trẻ bị bắt nạt có thể làm thay đổi cấu trúc của gien điều khiển tâm trạng, dễ gây căng thẳng. Các nạn nhân bị bắt nạt có nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi trưởng thành.
Theo báo cáo của tạp chí Science Daily (Mỹ) ngày 18/12, một nghiên cứu khác vừa được công bố trên tạp chí Psychological Medicine journal cũng đang cố gắng để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế một người đàn ông phản ứng như thế nào trước các tình huống gây căng thẳng.
Isabelle Ouellet-Morin, người chủ trì cuộc nghiên cứu cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng khi bị căng thẳng sẽ không xảy ra điều gì liên quan đến gien. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy, yếu tố môi trường, ngay cả môi trường xã hội, cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của gien.Đặc biệt là đối với những người đã từng là nạn nhân của tình trạng bị bắt nạt”.
Tác giả Ouellet-Morin cho biết thêm, nghiên cứu trước đây tiết lộ rằng, hormone cortisol (hormone gây căng thẳng) trong cơ thể các nạn nhân bị bắt nạt giảm sút, nhưng họ lại có xu hướng hung hăng hơn và thường gặp khó khăn trong các vấn đề tương tác với xã hội.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trên những trẻ 12 tuổi bị bắt nạt cho thấy, có sự thay đổi cấu trúc xung quanh các gien điều tiết serotonin – một chất truyền dẫn thần kinh liên quan đến việc kiểm soát tâm trạng và trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, trẻ bị bắt nạt có thể liên quan đến các vấn đề về thể chất, ngôn từ và tâm lý sau này. Do vậy, bất kể dù trong trường học, trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc môi trường gia đình, phụ huynh nên giám sát con cái một cách chặt chẽ, không để chúng trở thành nạn nhân hay thủ phạm của tình trạng bắt nạt.