Theo khuyến cáo của các bác sĩ, đau bụng kinh có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: bụng, bàng quang thậm chí là buồng trứng… Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến vô sinh.
Đau bụng kinh là hiện tượng đau bụng dưới khi hành kinh và có thể lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ còn trẻ, có những người có thể đau kéo dài đến mấy tiếng hoặc vài ngày.
Thông thường, đau bụng kinh được chia làm hai loại chính: đau bụng kinh nguyên phát (thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên) và đau bụng kinh thứ phát (thường gặp ở phụ nữ đã sinh đẻ, do các nguyên nhân thực thể như tử cung đổ sau, chít lỗ cổ tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…). Đau bụng kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người phụ nữ. Nhiều trường hợp phải nghỉ học, nghỉ làm vì những cơn đau dữ dội trước hoặc trong kỳ kinh.
Không chủ quan khi đau bụng kinh
Mỗi lần gần đến “ngày đèn đỏ”, chị Hoàng Thu G.(29 tuổi) lại thấy sợ vì thường xuyên bị đau bụng kinh dữ dội, mỗi lẫn như vậy G. cứ ôm bụng quằn quại, mặt mày xanh xao, người vã mồ hôi như tắm….Chị G. cho biết chị đã đi khám nhiều nơi, các bác sĩ đều bảo không sao nhưng chị vẫn nghĩ mình mắc phải căn bệnh gì đó.
Cũng giống như chị G, bạn Minh H. (sinh viện Đại học Giao thông ) cho biết cũng bị đau bụng kinh, có tháng đau hai ngày, thậm chí có tháng ba ngày mới hết. Mỗi lần như vậy, H. thường đi ngoài liên tục, người vã mồ hôi, chân tay bủn rủn và hầu như tháng nào cũng nghỉ phải nghỉ học vì đau bụng kinh.
Trong thực tế, rất nhiều người bị đau bụng kinh, tuy nhiên mỗi người một kiểu đau, người thì đau âm ỉ, nhưng có những người đau không thể chịu nổi phải dùng đến thuốc giảm đau.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội), đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh là tình trạng đau vùng hạ vị, xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh. Thường phụ nữ từ 14 tuổi đến 49 tuổi sẽ thấy kinh mỗi tháng một lần, mỗi lần 3-5 ngày. Đây là hiện tượng bình thường ở chị em phụ nữ mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân là đến kỳ kinh nguyệt, tử cung căng phồng lên, niêm mạc tử cung dày lên chèn ép gây đau. Bên cạnh đó, muốn đẩy máu ra ngoài thì cơ tử cung phải co lại. Lúc này chất prostaglandin xuất hiện và gây ra đau bụng kinh.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, đau bụng kinh có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: bụng, bàng quang thậm chí là buồng trứng… Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến vô sinh.
Thực tế, trong số các phụ nữ bị vô sinh, có tới 30-50% có tổn thương lạc nội mạc tử cung. Chẳng hạn, niêm mạc có thể nằm ở vòi trứng dẫn đến tắc vòi trứng. Ngoài ra, khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra, dễ bị viêm nhiễm và gây dính, tắc vòi trứng…
Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung. Chị em bị chảy máu, đau bụng nhưng vì nó rơi đúng vào chu kỳ kinh nguyệt. Điều này rất nguy hiểm vì nếu không phát hiện sớm thai bị vỡ, chảy máu nhiều có thể dẫn đến biến chứng vô sinh, thậm chí là tử vong.
Do vậy, khi thấy đau bụng kinh kéo dài và khác thường, chị em phụ nữ không nên cố chịu đựng mà hãy đii khám bác sĩ phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Ngăn ngừa và phòng tránh đau bụng kinh
Theo các bác sĩ, chứng đau bụng kinh thường không điều trị bằng thuốc mà chỉ cần dùng các phương pháp làm giảm cơn đau. Bạn có thể chườm nóng, hoặc có thể uống một chút nước gừng. Đây cũng là cách làm ấm bụng để giảm cơn đau.
Bên cạnh đó, trước kỳ kinh nguyệt từ 3-5 ngày, bạn nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu. Tránh thực phẩm tươi sống, thực phẩm nhiều gia vị hay các loại thực phẩm lạnh có thể kích thích tử cung, ống dẫn trứng hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau bụng. Không nên ăn nhiều một lúc mà chia thành các bữa nhỏ, tránh những thức ăn gây đầy bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, bạn cũng cần ăn các loại thực phẩm chua như bắp cải muối, salad, nộm, canh chua… bởi nó hỗ trợ khá tốt trong việc giảm cơn đau bụng kinh. Nên giữ ấm cơ thể để thúc đẩy lưu thông máu và thư giãn cơ bắp. Bạn nên uống nước ấm và dùng túi giữ nhiệt đặt lên bụng để giúp giảm cơn đau.
Đặc biệt là trong đêm trước của chu kỳ “đèn đỏ”, bạn nên đi bộ nhiều hơn để giúp cơ thể thoải mái. Một số vị thuốc đông y như ích mẫu, ngải cứu cũng có tác dụng giảm đau bụng kinh. Bạn có thể sắc rồi lấy nước uống trong những ngày bị chứng này hành hạ. Nếu bạn đau quá mức, các biện pháp kể trên chỉ giảm được một phần thì nên hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau. Còn nếu cơn đau có tính chất khác thường, hay vẫn đau bụng ngay cả khi đã hết kinh thì bạn nên đến bệnh viện khám ngay.
Đau bụng kinh kéo dài do các chứng bệnh ở cơ quan sinh dục gây nên, vì vậy nên sớm kiểm tra phát hiện bệnh phụ khoa, kịp thời điều trị. Ngoài ra, bạn cần lưu ý: Giữ vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tránh lao động thể lực hoặc vận động quá sức. Tuyệt đối không sinh hoạt vợ chồng trong thời kỳ kinh nguyệt và tránh những kiểm tra phụ khoa không cần thiết; Làm tốt công tác tránh thai. Tránh nạo thai và phẫu thuật buồng tử cung (có thể dẫn đến dính niêm mạc tử cung và phát sinh chứng bệnh khác; Giữ vệ sinh cá nhân, nhất là trong thời kỳ mang thai và sinh con. Tuyệt đối không sinh hoạt tình dục bừa bãi, tránh phát sinh chứng viêm tiểu khung và các chứng phụ khoa khác.