Có thể dùng vật lý trị liệu để lấy đàm nhớt của trẻ em trong các bệnh lý về hô hấp.
Lấy đàm nhớt cho trẻ bằng kỹ thuật AFE thụ động
Trẻ em từ sơ sinh đến 3 tuổi thường mắc các bệnh lý về đường hô hấp như: viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Vào mùa lạnh hoặc thời tiết, nhiệt độ thay đổi đột ngột, như khi trời nắng nóng, trẻ đang đổ mồ hôi người nhà lại cho trẻ đi tắm, bật quạt trực tiếp vào người trẻ hoặc cho trẻ nằm máy lạnh bật nhiệt độ quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài sẽ làm trẻ dễ mất cân bằng về thân nhiệt, cơ thể trẻ lại không có sức đề kháng giống như người lớn nên trẻ sẽ dễ cảm lạnh. Biểu hiện đầu tiên là hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đàm gây sốt. Có trẻ lại không biểu hiện sốt mà khó ngủ, khò khè, đàm nhớt ứ đọng nhiều trong mũi, miệng, sờ phổi nghe tiếng ran, bú hoặc ăn thường bị nôn ói. Khi có các triệu chứng trên, các bà mẹ nên đưa trẻ đi khám để điều trị nội khoa.
Ngoài ra, trẻ cần phải được tập vật lý trị liệu hô hấp để lấy hết các chất tiết, đàm nhớt trong mũi, hầu họng, đặc biệt ở trong phế quản, tiểu phế quản. Các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ dùng các kỹ thuật như: thông mũi họng ngược dòng (rửa mũi) và AFE thụ động để tống xuất đàm nhớt và các chất tiết ra ngoài.
Kỹ thuật thông mũi họng ngược dòng
Rửa mũi
Đặt trẻ nằm trên bàn, người nhà giữ hai tay và hai chân của trẻ. Chuyên viên vật lý trị liệu cho trẻ nằm nghiêng đầu về một bên. Sau đó dùng nước muối sinh lý natri clorid 0,9% bơm chậm rãi và liên tục vào phía trên lỗ mũi, tạo dòng chảy liên tục từ khoang mũi trên xuống khoang mũi dưới, nhằm làm đàm nhớt loãng ra (long đàm nhớt) để dễ dàng đưa đàm nhớt và các chất tiết ra ngoài. Tiếp đến cho trẻ hỉ mũi (nếu trẻ lớn trên 3 tuổi).
Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi không biết tự hỉ mũi, chuyên viên sẽ canh lúc trẻ chuẩn bị thở ra thì dùng ngón tay cái và trỏ đóng kín miệng và mũi của trẻ lại, để đưa dòng khí cùng với đàm nhớt và các chất tiết ra ngoài qua lỗ mũi dưới. Sau đó chuyên viên cho trẻ nằm ngửa, dùng ngón tay cái và trỏ của hai bàn tay đóng kín miệng trẻ lại khi trẻ hít vào, để đàm nhớt và các chất tiết còn sót lại trong khoang mũi xuống họng. Khi thấy trẻ chuẩn bị thở ra, chuyên viên dùng ngón cái đặt dưới góc lưỡi rồi dùng một lực nhẹ nhàng di chuyển ngón cái để đưa đàm nhớt và các chất tiết từ hầu họng ra khỏi miệng.
Kích thích ho
Khi đàm nhớt nằm trên cổ họng hoặc trong miệng mà trẻ không tự tống ra được, chuyên viên sẽ dùng ngón tay cái đặt trên khí quản, cách đầu xương ức khoảng 5cm, các ngón còn lại đặt sau cột sống cổ, sau đó cho một áp lực nhẹ nhàng thì trẻ sẽ ho và tống xuất đàm nhớt ra ngoài.
Kỹ thuật AFE thụ động
Đây là kỹ thuật được thực hiện để tống xuất đàm nhớt ở phần gần đường dẫn khí như: đàm ở trong họng, khí quản, phế quản, gia tăng luồng khí thở ra.
Chuyên viên vật lý trị liệu đặt một tay ở xương sườn cuối, một tay trên ngực trẻ. Khi trẻ bắt đầu thở ra, chuyên viên sẽ trợ giúp một lực nhẹ nhàng đến khi trẻ gần kết thúc thì thở ra. Họ sẽ lặp đi lặp lại động tác này 3-5 lần. Lúc này chuyên viên sẽ cảm nhận sự di chuyển của đàm nhớt và các chất tiết ở hai lòng bàn tay của họ, cho đến khi đàm nhớt di chuyển lên đến phần gần của đường dẫn khí thì chuyên viên sẽ kích thích ho (trình bày ở phần trên) để trẻ tống xuất đàm nhớt và các chất tiết ra ngoài.
Tóm lại, dùng vật lý trị liệu để lấy đàm nhớt là kỹ thuật dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, và theo nhịp thở của trẻ nhằm làm long đàm nhớt, thông thoáng đường thở giúp trẻ dễ thở hơn, bớt quấy khóc, giảm khò khè, giảm nôn ói, ăn uống tốt hơn.
BS Tống Thị Kim Ngọc (Bệnh viện Nhi Đồng 2) Theo Tuoitre