Khi mang thai, nhiều chị em vì lo lắng thái quá cho sự phát triển của con mà họ cố ăn uống thật nhiều. Tham khảo bài viết dưới đây xem quan điểm của chị em có đúng không nhé!
Tăng cân nhiều, bà bầu không thể sinh thường
Vốn là một cô gái nhỏ nhắn, chỉ nặng 40kg và cao 1m50, đó cũng là lý do trước đây bị bố mẹ chồng không ưng với lý lẽ “sợ đẻ khó vì hông nó quá nhỏ”/ Vì thế, chị Thương (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) quyết tâm sau khi lấy chồng sẽ tăng cân và sẽ đẻ tốt như ai.
Khi biết mình mang thai, chị chăm chỉ ăn uống điều độ, quan tâm tới chất lượng các bữa ăn, nghỉ ngơi nhiều hơn, thế nhưng khi bé được 20 tuần tuổi, sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết thai của chị có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, lại cộng thêm việc mẹ chồng chị suốt ngày bảo: “Người gầy trơ xương thế kia thì đẻ đái kiểu gì. 20 tuần mà bụng phẳng lỳ”, khiến chị lo lắng vô cùng.
Vừa lo, vừa tủi thân, chị lên cho mình một thực đơn ăn uống dày đặc, phương châm của chị đó là “không đói cũng phải ăn”. Mỗi ngày chị uống nước mía, nước dừa, ăn đầy đủ tinh bột, hải sản…
Cứ đến giờ, chị lại lục đục lôi đồ ăn ra ăn, nhiều khi không đói chị vẫn cố nuốt. Theo chị, ăn cho hai người là tốt nhất vì không chỉ mẹ khỏe mà con cũng to, khỏe mạnh.
Quả nhiên, sau 7 tuần chị tăng những 7 kg, chị mừng khôn xiết. Đúng ngày dự sinh, sau những cơn đau đẻ hoành hành, lên đến viện, chị bàng hoàng khi bác sĩ bảo chị cần phải làm thủ tục sinh mổ, huyết áp của chị tăng đột biến và nếu sinh thường sẽ không hề tốt cho sự an toàn của cả mẹ lẫn con.
May mắn cho chị, bằng kinh nghiệm và sự tận tâm của bác sĩ, chị Thương được mẹ tròn con vuông. Sau này, chị mới biết chính vì cố ăn uống quá mức đã khiến chị bị tiểu đường và tăng huyết áp thai kỳ.
Chị Ngân (Yên Ninh, Hà Nội) cũng nằm trong diện khó sinh thường chỉ vì tẩm bổ thai kỳ “ác liệt”.
Chị cũng từng bi quan và lo lắng giống chị Thương suốt 3-4 tháng trời. Chị hoang mang vô cùng khi đến tuần 27 thì bác sĩ phán thai nhi có khả năng cao về suy dinh dưỡng, chị được cả nhà cho vào công cuộc ép ăn, động viên ăn: ngoài những bữa ăn cố định, hàng ngày chị được tẩm bổ thêm vài đĩa hải sản, 4- 5 ly sữa bầu rồi hàng tuần chị còn được chồng tẩm bổ cho vài lạng yến.
Thế là trong vòng 3 tháng cuối chị tăng cân vèo vèo, nghe đâu những 10 cân. Đến lúc sinh con bác sĩ nhận định vì thai nhi quá to, chị nên sinh mổ vì thuộc diện khó sinh.
Đến lúc này chị mới hối hận vì sự thiếu hiểu biết và vội vàng, chị đã đánh liều với sức khỏe của mình và con.
Sai lầm với quan niệm “ăn cho hai người”
Khi mang thai, nhiều chị em vì lo lắng thái quá cho sự phát triển của con mà họ cố ăn uống thật nhiều. Với tâm lý ăn càng chất, càng nhiều thì càng tốt, nhiều chị em khó có thể đẻ thường mà lại có khả năng mang thêm bệnh vào người: tiểu đường, cao huyết áp, đặt hai mẹ con vào nhóm có nguy cơ cao mắc các biến chứng khi mang thai.
Không chỉ riêng hai trường hợp trên mà có rất nhiều chị em giữ tâm lý ăn gấp đôi thì con mới đủ chất dinh dưỡng.
Các chuyên gia dinh dưỡng thuộc nhóm nghiên cứu BC (Hoa Kỳ) chia sẻ: Để có thể tăng cân hợp lý, con khỏe mạnh, chị em cần lên kế hoạch cho từng bữa ăn của mình, ăn uống lành mạnh, hợp lý.
Chị em nên ăn uống đa dạng thức ăn, bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng. Hạn chế ăn những loại thức ăn chứa nhiều calo ít chất dinh dưỡng như: đồ uống có gas, thực phẩm nhiều chất béo và đường…
Những chất dinh dưỡng cần cho bà bầu được chuyên gia gợi ý đó là nhóm thực phẩm có chứa: Protein, Carbohydrates, Chất béo, Canxi, sắt, Vitamin C, Axit folic, Vitamin D…
Thêm vào đó, nếu muốn tăng cân hợp lý, mẹ bầu có thể chọn các loại đồ ăn nhẹ, chứa nhiều calo như sữa chua, trứng gà, trái cây tươi, các loại rau, bánh mỳ…
Sức khỏe và sự tăng trưởng của bé liên quan trực tiếp đến những gì mẹ bầu ăn trước và trong khi mang thai, cho nên mẹ bầu cần phải chú ý đến thực đơn ăn của mình. Quan điểm ăn thật nhiều để sinh con khỏe mạnh, bụ bẫm dù mẹ bầu có tăng cân quá nhiều là một sai lầm.