Khi nhắc đến ngày “vượt cạn”, thì mọi người chỉ nhắc đến người mẹ mà thường quên đi vai trò cũng không kém phần quan trọng của người bố trong ngày vô cùng trọng đại này. Vậy, liệu các ông bố trẻ của chúng ta cần chuẩn bị những gì để cùng vợ mình vượt qua sự kiện căng thẳng nhưng cũng đầy hạnh phúc này?
Hãy thực hiện những điều dưới đây với sự kiên nhẫn và tự tin của một người đàn ông sắp lên chức phụ huynh!
Hiểu biết về quá trình sinh nở
Bạn nên chuẩn bị tinh thần cho một ngày thực sự rất – rất dài, sự chuẩn bị này sẽ giúp bạn (và cả vợ bạn) bớt sốt ruột khi quá trình chuyển dạ kéo dài hơn mong đợi. Hãy nhớ rằng, với bà mẹ sinh con lần đầu, thời gian chuyển dạ có thể kéo dài đến 10-20 giờ đồng hồ, và điều này không có gì bất thường cả. Thời gian chuyển dạ trung bình và phổ biến nhất vào khoảng 6 giờ đồng hồ rưỡi.
Việc bạn cần làm khi này: Đừng cắm đầu vào mấy trò chơi trên điện thoại để giết thời gian, hãy dành thời gian đó cho người phụ nữ đang vật vã chuẩn bị cho sự ra đời của con bạn. Hãy cho cô ấy ngậm những viên nước đá để giảm cảm giác đau đớn, xoa bóp đầu và vai cho nàng, cùng đi bộ với nàng và nắm chặt tay nàng trong suốt quá trình chuyển dạ và cả lúc sinh nở (nếu bạn cùng vào phòng sinh với vợ).
Luôn mỉm cười
Cơn đau dữ dội và kéo dài có thể khiến một người phụ nữ dịu dàng và ngọt ngào nhất (là vợ bạn đấy!) trở nên thô lỗ và nóng nảy. Nàng có thể cáu gắt và thậm chí tuôn ra những lời khiến bạn “hết hồn”. Hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống này, và hãy cố bỏ ngoài tai những lời khó nghe mà vợ bạn buột miệng trong lúc đau đớn. Hãy tâm niệm rằng cô ấy chỉ đang nói sảng vì đau quá mà thôi, nàng hoàn toàn không hiểu những gì mình đang nói và càng không có ý làm tổn thương bạn.
Dự trù những tình huống bất ngờ
Không ai – kể cả những người có kinh nghiệm sinh nở nhất – có thể dự đoán được việc vợ bạn sẽ chuyển dạ và sinh nở như thế nào, thế nên hãy chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống có thể xảy ra trong quá trình đầy cam go này. Những gì thực sự xảy ra trong quá trình sinh nở có thể không giống với hình dung và dự định của vợ chồng bạn, chẳng hạn bác sĩ có thể chỉ định mổ bắt con ngay thời điểm vợ bạn lên bàn đẻ mặc dù trước đó hai bạn đã quyết định sẽ sinh con tự nhiên. Đừng cứng nhắc, lúc này bác sĩ biết điều gì là tốt nhất cho vợ con bạn, hãy theo sự chỉ dẫn của họ.
Thay mặt vợ xử lý tình huống ở bệnh viện
Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, vợ bạn thường quá đau để có thể tự mình xử lý hoặc lên tiếng quyết định trước những tình huống ở bệnh viện. Hãy là “trợ lý” đắc lực của nàng trong lúc này. Bạn cần nói chuyện và yêu cầu bác sĩ giải thích các tình huống và chỉ định y tế của họ với vợ bạn (chẳng hạn như việc chỉ định mổ cấp cứu). Tuy nhiên, để tránh làm sự vụ trở nên phức tạp và rối ren hơn, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu trước về các thủ thuật y tế liên quan đến chuyện sinh nở của phụ nữ trong những tháng son rỗi cuối cùng trước khi vợ mình sinh con.
Ghi lại khoảnh khắc, nhưng đừng bỏ lỡ sự kiện
Ngày nay, bạn hoàn toàn có thể lưu lại khoảnh khắc khó quên khi em bé chào đời bằng cách chụp ảnh hoặc quay phim lại. Nhưng nếu quá chú tâm vào việc ghi hình và chia sẻ hình ảnh lên mạng, bạn có thể bỏ lỡ những cảm xúc không thể nào có lại từ sự kiện này. Hãy nhớ rằng, trải nghiệm và cảm xúc của bố mẹ khi em bé chào đời là quan trọng nhất, đừng chỉ vì việc chia sẻ thông tin với mọi người mà bỏ lỡ những điều kỳ diệu của mình.
Hãy cảm ơn vợ!
Khi quá trình sinh nở đã hoàn tất và bạn đang bế thiên thần bé nhỏ xinh đẹp của mình trên tay, hãy ghi nhớ những gì vợ bạn đã trải qua để vợ chồng bạn có được khoảnh khắc và “tài sản” vô giá này. Cô ấy xứng đáng được bạn tri ân cho hơn 9 tháng “mang nặng đẻ đau”. Hãy dành thời gian để viết vài dòng yêu thương hoặc chọn một món quà cảm ơn xứng đáng cho nàng.