Hiện nay, việc đặt tên cho con kể cả tên ở nhà với nhiều bậc phụ huynh là cả một công việc trọng đại, họ cho rằng cái tên sẽ gắn liền với tuổi thơ và tương lai của con, cái tên sẽ quyết định phần lớn đến cuộc sống sau này của con.
Muôn kiểu tìm tên hay đặt cho con
Không chỉ là tên họ được ghi chắc nịch trong giấy khai sinh mà thời buổi này, nhiều bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc đặt biệt danh nickname cho con ở nhà.
Với họ, tên gọi ở nhà của con thể hiện một sự gần gũi, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và ước mong về sau khi con trưởng thành.
Càng đến gần ngày sinh nở, chị Thanh Tuyền (Cầu Giấy, Hà Nội) càng sôi sục trong việc đặt tên con ở nhà. Chị tâm sự: “Có thể tên thật chưa cần nghĩ ngay nhưng tên nickname thì vô cùng quan trọng, nó sẽ đi suốt tuổi ấu thơ đáng yêu của con”.
Chị không thích những cái tên “thường ngày ở huyện như Mickey, Bin, Bông, Bi Bo… mà tiêu chí chọn tên cho con của chị phải là độc và đầy ý nghĩa.
Lùng sục các ngăn kiến thức, chị vỗ đen đét vào đùi quay sang hỏi chồng: “Đặt cho con tên Bóng được không mình ơi?”.
Chị giải thích rằng vì niềm đam mê bất tận của chồng chính là đá bóng. Cứ thứ 3 hàng tuần dù bận rộn tới đâu, anh vẫn cố gắng duy trì lịch đá bóng của mình, thêm vào đó hôm nào có trận đấu của tuyển MU anh đều kiên quyết thức đêm để xem cho bằng được.
Ngoài ra, chị thích tên Bóng là bởi nó béo béo, đáng yêu, căng tròn, sắc màu lại có vẻ gì đó dũng mãnh nữa. Tuy nhiên, nhà chị lại có trận nội chiến giữa vợ chồng chị và ông bà khi cái tên này được đưa ra bàn luận.
Đứng trước luận điểm của chị, bà nội nhất quyết bảo không được: “Nếu hai con thích quá và nhất quyết cái tên phải gắn với quả bóng thì nên chuyển là Banh hay Bông gì gì chứ ai gọi con là Bóng? Tên đó có vấn đề vô cùng, nhỡ đâu sau này bạn bè trêu nó lệch lạc giới tính thì sao? Có phải tội nghiệp nó lắm không?”.
Vợ chồng chị lúc này mới ngớ ra, gật gù: “Ừ nhỉ, cũng có lý”.
Cũng đau đầu về chuyện đặt tên ở nhà cho con là chị Hằng (Quận 7, TP HCM), chị rất muốn đặt tên con theo sở thích của gia đình, tên con gần gũi với những thói quen, việc làm của cha mẹ. Nghĩ mấy tháng trời nhưng chưa đâu vào đầu, đến khi hai bé sinh đôi vừa chào đời, chị quyết định đặt tên con là Kem (sở thích của mẹ), bé thứ 2 là Ken (sở thích uống bia của bố).
Chị tâm sự: “Đặt tên đồ ăn có khi sau này hai con lại trộm vía ăn ngoan, ăn giỏi không biết chừng”. Quả vậy, chị không hối hận với quyết định của mình khi hai bé hay ăn chóng lớn. Thế là khi có bạn bè nào hỏi kinh nghiệm đặt tên con ở nhà chị đều bảo: “Đặt tên theo món ăn thế nào con cũng hay ăn chóng lớn”.
Chị Tuyết (Võ Thị Sáu, TP HCM) theo chân chị Hằng cũng đặt tên con theo tên thực phẩm. Chị tâm sự: “Mình chẳng ao ước gì nhiều, chỉ mong con phát triển khỏe mạnh, chóng lớn, dễ nuôi, ít ốm là mình hạnh phúc lắm rồi”. Chị Tuyết quyết định đặt tên bé đầu của mình là Khoai Lang, quả nhiên sau khi ra đời, bé nhanh nhẹn, dễ nuôi, ít ốm thật.
Khác với các chị em khác, trong cả quá trình mang thai, chồng chị Tú (Long Biên, Hà Nội) mở công ty tư nhân. Vậy là suốt một thời gian dài chị giúp chồng nộp thuế. Để ghi nhớ sự kiện đặc biệt này, hai vợ chồng chị quyết định đặt tên con ở nhà là Tax Tax (tách tách). Thế là từ sau ngày con chào đời, cái tên đặc biệt đó đã gắn liền với bé.
Không đặt tên con theo đồ ăn, sở thích, sự kiện đặc biệt gắn với hai vợ chồng mà hai vợ chồng nhà chị Ngọc (Bắc Ninh) đặt tên con theo sự giống nhau của mình. Anh chị đều mang họ Bùi, nên từ lúc yêu nhau, họ đã thỏa thuận là sau này đặt tên ở nhà cho con là BuBu, nghĩa là Bùi Bùi. Khi bé thứ 2 chào đời, anh chị tiếp tục đặt chệch tên Bubu thành Bibi.
Chị Ngọc cho rằng sự kết hợp này rất đáng yêu: “Cả nhà giống như một gia đình hoàn hảo vậy. Tên con bao gồm cả tên bố mẹ. Mình rất thích đặt nickname như thế này bởi vừa vui lại vừa mang ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình”.
Một trường hợp khác, vì con mạng Mộc, lại là con trai, gia đình anh Chiến (Ngũ Xã, Hà Nội) còn cẩn thận mời thầy đặt tên cho con. Sau một thời gian tìm hiểu, anh chị quyết định đặt tên con ở nhà là cu Lá. Anh bảo: “Cái tên đó ý nghĩa vô cùng, vừa có nghĩa đúng mệnh cho con, lại là lá rụng về cội, vừa có ý con biết yêu thương đùm bọc nhau như câu nói lá lành đùm lá rách”.
Ngoài những xu hướng đặt tên, nhiều chị em còn rỉ tai nhau khai trừ ngay 2 cái tên là Gấu với Ngỗng vì theo họ, những đứa trẻ mang cái tên này thường bướng bỉnh và “đầu gấu”, suốt ngày cáu kỉnh, ghê gớm.
Không nên quá coi trọng việc đặt tên
Đặt tên cho con kể cả tên ở nhà với nhiều bậc phụ huynh là cả một công việc trọng đại, họ cho rằng cái tên sẽ gắn liền với tuổi thơ và tương lai của con, cái tên sẽ quyết định phần lớn đến cuộc sống sau này của con. Ngoài ra, họ cũng cho rằng dù là tên ở nhà song nó phản ánh niềm vui, sự hãnh diện của cha mẹ gửi gắm vào con mình.
Tuy nhiên, có khá nhiều phụ huynh lại quá coi trọng vấn đề tên ở nhà, trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho rằng: Tâm lý chung của bậc phụ huynh đó là thông qua cái tên, họ mong muốn con họ gặp được nhiều điều may mắn, mang ý nghĩa tốt đẹp, phản ánh nguyện vọng của mình về con.
Chuyên gia cho rằng, cha mẹ cũng không nên quá coi trọng chuyện đặt tên cho con bởi tên gọi không thể quyết định được vận mệnh tương lai hay giúp con trẻ ăn ngoan ngủ kỹ như nhiều chị em chia sẻ. Nếu muốn con thành đạt, khỏe mạnh thì ngay từ nhỏ, bậc phụ huynh nên đầu tư phát triển thể chất, chăm sóc con thật khoa học bài bản để tạo nền tảng giúp con phát triển toàn diện.