Giữa vô vàn những câu chuyện tình yêu và dục vọng xuất bản vội vã, bày bán nhan nhản trên thị trường, Hãy chăm sóc mẹ lặng lẽ tỏa ra một thứ hương thơm mê hoặc, với nỗi buồn trong sáng, ám ảnh, cảm động lạ thường.
Một ngày, cả gia đình xáo trộn vì Mẹ biến mất. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Người chồng một đời luôn đi nhanh hơn vợ nửa bước chân. Ngày hôm đó, như lệ thường, ông đã vội vã lên tàu mà quên mất vợ mình vẫn còn ở lại phía sau. Khi đi tìm một tấm ảnh để dán lên tờ rơi thông báo tìm người lạc cũng là lúc những đứa con phát hiện ra rằng, trong ngôi nhà chẳng hề có bất cứ tấm ảnh tử tế nào có thể dùng cho việc đó. Trong những tấm ảnh gia đình, một điều lạ mà bấy lâu nay họ không để ý, đó là bóng dáng người mẹ của họ, lúc nào cũng chỉ nhạt nhòa đứng phía sau.
Một ngày. Một tuần. Một tháng. Người chồng và những đứa con đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng rối bời và cảm giác ăn năn, tội lỗi. Họ cũng băn khoăn không hiểu tại sao Mẹ lại không thể tìm được đường về nhà cho đến lúc phát hiện ra một sự thật đau lòng. Mẹ không biết chữ và mắc căn bệnh Alzheime (hội chứng mất trí nhớ). Không một ai trong gia đình biết bà mắc phải căn bệnh này vì bí mật ấy đã được người mẹ giữ kín để không làm phiền đến cuộc sống riêng của họ.
“Hãy chăm sóc mẹ” có bố cục như một cuốn nhật kí hành trình. Hành trình đánh mất Mẹ và hành trình đi tìm lại Mẹ. Câu chuyện cảm động thấm thía về người mẹ đi lạc đường được khắc họa trên nền bức tranh rộng lứn về xứ sở quê hương, nơi cảnh trí và phong tục Hàn Quốc được miêu tả với những nét đẹp tươi thắm, trong trẻo, đầy tình người.
Giã biệt tuổi thơ để trường thành là một hành trình đã được định sẵn cho tất cả mọi người. Giữa những tháng ngày ấy, chúng ta mải mê đuổi theo trăm thứ ảo mộng tình yêu. Danh vọng, tiền bạc, quyền lực, khao khát được khẳng định bản ngã của mỗi cá nhân. Chúng ta cứ ngỡ mình đã có tất cả, hiểu hết mọi góc cạnh của tình yêu trên thế gian. Thực ra chúng ta không hề biết, giữa vòng quay của số phận, mình đã đánh mất đi những gì đẹp đẽ nhất, tình yêu toàn vẹn và lớn lao nhất.
Tình yêu của người Mẹ vốn luôn hiện hữu rất rõ ràng, luôn dõi theo ta từ phía sau, luôn bao dung nhẫn nại đợi chờ. Nhưng không có gì là mãi mãi. Tình yêu của Mẹ rồi cũng có lúc bị bão tố cuộc đời đánh ngã, bị thời gian cuốn trôi sức mạnh và cũng có thể chết đi như muôn vàn sự vật trong vũ trụ. Đánh rơi mất Mẹ rồi mới thảng thốt kiếm tìm và đau đớn nhận ra những gì đẹp nhất trong cuộc đời ta đã vĩnh viễn không thể có lại một lần nữa.
Hãy chăm sóc mẹ là một cuộc hành trình như thế. Một cuộc hành trình đằng đẵng ám ảnh với rất nhiều những cuộc hành trình kép, nhỏ bé, đơn độc. Hành trình tìm mẹ của cô con gái thứ, anh con trai cả, người chồng được tái hiện song song cùng với dòng hồi ức riêng tư gắn liền với những tháng năm êm đềm bên Mẹ, với những ngộ nhận, những lỗi lầm và sự thức tỉnh muộn màng, đắng xót.
Năm 2009, Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Shin Kyung Sook xuất hiện như một điểm sáng chói lòa của văn học Hàn Quốc. Tác phẩm không chỉ nhận được nhiều tình cảm từ phía độc giả mà còn được giới phê bình đánh giá cao bởi tính nhân văn sâu sắc cùng câu chuyện cảm động lòng người. Cho đến nay, cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang hai mươi thứ tiếng, bán được hơn một triệu bản tại quê nhà và là tác phẩm văn học đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào danh sách best-seller của tờ New York Times.