Vấn đề nên hay không ninh xương nấu cháo, bột cho trẻ ăn dặm tưởng như đã cũ nhưng vẫn khiến rất nhiều bà mẹ trẻ “đau đầu”.
Nước xương – không “tiên dược” cũng chẳng “độc tố”
Từ xa xưa, các bà các mẹ Việt nuôi con nhỏ đã có thói quen ninh xương ống lọc lấy nước nấu cháo, quấy bột cho con. Quan niệm nước xương chứa nhiều canxi, vitamin A và chất béo giúp trẻ mắt sáng, dáng cao, tăng cân tốt… của nhiều mẹ là sai khi các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định rằng, thường xuyên ninh xương ống nấu cháo cho trẻ (quá 3 lần/tuần) sẽ ”lợi bất cập hại”.
Thành phần chủ yếu của xương ống là tủy sống chứa rất nhiều chất béo động vật. Loại chất béo này khó tiêu, khi bé ăn sẽ bám lại ở thành ruột và dạ dày, gây đầy bụng, nhanh no, mau chán ăn… Nếu ăn nhiều có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, phân sống…
Về phần can xi, canxi có trong xương ống chủ yếu là canxi vô cơ mà cơ thể bé không hấp thụ được. Đó cũng là một phần lý do vì sao trẻ ăn nhiều nước xương ống lại vẫn còi cọc, thấp bé.
Tuy nhiên, ninh xương nấu cháo không hẳn là “độc tố” đối với trẻ nhỏ. Bằng chứng là các bà, các mẹ ngày xưa và ngay cả một số bà mẹ nay vẫn có thói quen ninh xương cho con ăn hàng ngày và chưa thấy dấu hiệu gì xấu về sức khỏe của bé. Ninh xương tuy không có lượng dưỡng chất “khổng lồ” như mọi người vẫn nghĩ nhưng lại có tác dụng to lớn trong việc làm ngọt nước với vị đạm, khiến bé có cảm giác ăn ngon, thèm ăn – điều rất quan trọng đối với những mẹ có con biếng ăn.
Vấn đề của chúng ta bây giờ là?
Chọn xương gì để ninh và ninh xương thế nào thì chuẩn
Như đã nói ở trên, chất béo trong tủy xương rất khó tiêu. Do đó, với trẻ mới bước đầu tập ăn dặm, mẹ không nên xinh xương quấy bột cho con. Hệ tiêu hóa non nớt của bé sẽ không tiêu thụ được lượng chất béo động vật này. Nước rau củ, nước sữa, nước nấm… có thể là những gợi ý tốt cho mẹ nuôi con giai đoạn này.
Với trẻ trên 8 tháng tuổi làm quen với đạm, mẹ có thể bắt đầu ninh xương nấu cháo, giúp bé cảm thấy ngọt nước, ngon miệng hơn. Thay vì ninh xương ống, mẹ có thể mua xương hom, xương sườn lợn, xương chân gà hoặc xương cá, vỏ tôm… Khi ninh nên để mở vung, hớt bọt và lọc váng mỡ thật kỹ.
Mẹ có thể để nước xương vào tủ lạnh từ 3-4 tiếng để các cặn bẩn, mỡ, chất béo đông lại tích tụ thành lớp váng trên bề mặt. Lúc đó ta chỉ cần dùng thìa hớt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu sợ con bị đầy bụng thì khi ninh các mẹ hãy bỏ thêm một nhánh hành tím hoặc một mẩu gừng vào. Hành và gừng cũng hỗ trợ tiêu hóa, chống đầy bụng tự nhiên rất tốt cho con.
Ngoài ra, để tránh cho bé chán ăn, một tuần mẹ chỉ nên ninh xương nấu cháo cho con từ 1-2 lần, mỗi lần nên làm một mẻ nước ninh từ 3-5 lạng xương hom ít mỡ hoặc 10 chân gà ta loại ngon. Thay đổi quay vòng giữa các loại nước nấu cháo sẽ kích thích vị giác của trẻ phát triển hơn nhiều.
Một lưu ý dành cho mẹ: Không nên quá “bài xích” việc ninh xương nấu cháo. Mẹ chỉ sai khi nấu cháo cho con lấy nước chứ không lấy cái. Nên nhớ, dù có được ninh nhừ, đun kỹ đến đâu, lượng vitamin và khoáng chất như đạm, canxi, chất béo.v.v. vẫn tồn tại ở bã thịt, chỉ tan rất ít vào nước. Do đó muốn con phát triển tốt, tăng cân nhanh mẹ cần cho con ăn cả nước cả cái.
Xin mách mẹ một số loại nước xương nấu cháo rất ngon và thơm cho bé:
Nước chân gà, cà rốt, su hào.
Nước xương hom, ngô non, nấm kim châm.
Nước xương cá, cà chua, thìa là.
Nước vỏ tôm, lá hành, lá hẹ.
Nước xương lươn, mùi tàu, nấm hương tươi.
Nước xương hom, đậu đỏ, ngó sen.
Khi ninh xương nấu cháo cho bé, mẹ nên loại bỏ phần mỡ nổi trên vì bao giờ mỡ cũng nhẹ hơn nên nổi lên trên. Như vậy sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa còn non yếu của bé.
Các mẹ cũng đừng nghĩ ăn nhiều nước xương bé chắc khỏe mà lạm dụng. Lưu ý, khi trẻ đang mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì không cho dùng nước hầm xương. Dù trẻ không có vấn đề về tiêu hóa thì trước khi ninh vẫn nên nạo bỏ hết tủy xương và chỉ dùng xương đơn thuần.
Theo nhiều bác sĩ dinh dưỡng trẻ em, trong tủy xương có nhiều chất béo nhưng đó là chất béo động vật (béo no) rất khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn nhiều sẽ gây tiêu chảy hoặc phân sống vì không hấp thụ được. Canxi trong nước hầm xương là canxi vô cơ, cơ thể trẻ cũng không thể hấp thụ được. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ ăn cháo, bột từ nước hầm xương thường xuyên bị còi xương, chậm mọc răng.