Nằm trong phòng dưỡng thai của Bệnh viện Từ Dũ, Thu Nga (Bình Dương) vẫn còn khá nhợt nhạt sau thời gian dài bị bệnh tiêu chảy. Nga kể: “Từ hồi em mang bầu tháng thứ 5, triệu chứng tiêu chảy đã bắt đầu hoành hành.
Gặp nguy vì “tào tháo” rượt bà bầu
Nằm trong phòng dưỡng thai của Bệnh viện Từ Dũ, Thu Nga (Bình Dương) vẫn còn khá nhợt nhạt sau thời gian dài bị bệnh tiêu chảy. Nga kể: “Từ hồi em mang bầu tháng thứ 5, triệu chứng tiêu chảy đã bắt đầu hoành hành. Ban đầu chỉ là những lần “tào tháo đuổi” nhẹ, ngày 2-3 lần nên em nghĩ do mình bất cẩn trong việc ăn uống. Rồi sau đó, bệnh nặng hơn nhưng em chủ quan không đi khám bác sĩ. Sau đó em có điều chỉnh chế độ ăn uống và chữa bằng một vài bài thuốc dân gian vì trong thai kỳ không được uống thuốc tây, bệnh tình thuyên giảm. Nhưng chẳng được bao lâu, bệnh lại tái phát. Từ ngày đó đến nay đã gần 2 tháng em luôn sống trong cảnh sẵn sàng đi vệ sinh bất cứ lúc nào. Vì chủ quan nghĩ rằng đó là do bụng yếu hoặc do tác dụng phụ trong thai kỳ nên em chẳng đi khám mà ngày ngày “sống chung với lũ”. Thế nhưng mấy tuần gần đây, cân nặng em chẳng tăng mà ngược lại còn giảm xuống mặc dù đang mang bầu những tháng cuối. Em bé cũng không tăng cân là mấy. Ngoài đi ngoài, em còn bị nôn ói nhiều lần, thế nên hai vợ chồng đã quyết định xuống thành phố khám bệnh”.
Cũng may là Nga đi khám kịp thời, nếu để lâu hơn có thể đã gây nguy hiểm cho hai mẹ con. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận Nga bị suy nhược cơ thể nặng, mất nước do tiêu chảy quá lâu còn thai nhi đang có triệu chứng suy dinh dưỡng. Bác sĩ đã yêu cầu Nga phải nhập viện để được điều trị bệnh và chăm sóc thai nhi.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị tiêu chảy
Nguyên nhân chủ yếu khiến chị em bị tiêu chảy là do chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Trong thời gian mang thai, sức đề kháng của chị em giảm nên việc ăn uống phải vô cùng cẩn trọng. Nhiều mẹ bầu không biết rằng, trong 9 tháng mang bầu, hệ tiêu hóa của mình có phần yếu đi nên vẫn hồn nhiên ăn những món ăn vặt bán ngoài đường, vẫn lê la hàng quán ăn những món sống sít, những món “khoái khẩu” như hồi chưa mang thai. Đây chính là nguyên nhân khiến chị em dễ mắc tiêu chảy nhất.
Ngoài ra, chị em cần biết rằng, khi uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, ăn phải những thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, lại thêm sức đề kháng không “mạnh” như bình thường thì vi khuẩn sẽ dễ dàng thâm nhập vào cơ thể, gây nên tình trạng “tào tháo đuổi”. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp đặc biệt, ăn uống vệ sinh nhưng thực phẩm đó lại chứa một số chất không phù hợp với thể trạng và sức hấp thu của cơ thể, ví dụ như một số thai phụ dị ứng với sữa tươi, cũng sẽ bị xảy ra tình trạng bị tiêu chảy.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ – Hiện công tác tại phòng khám Sản Phụ khoa Song Hà), với phụ nữ đang mang thai khi mắc tiêu chảy thường bị nặng hơn những người bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Bị tiêu chảy không chỉ gây nguy hại đối với cơ thể mẹ, mà vấn đề này ảnh hưởng đến thai nhi như có thể làm bé bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn có thể làm thai chết ngay trong bụng mẹ. Khi mẹ bầu bị tiêu chảy, số lần đi đại tiện và nôn mửa nhiều khiến cơ thể kiệt nước, suy sụp rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời rất dễ tử vong. Do vậy, bác sĩ nhấn mạnh rằng chị em bầu không nên coi thường tiêu chảy, cần đi khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian để sớm khỏi bệnh.
Ngoài việc đến bác sĩ, chị em bị tiêu chảy cần gấp rút bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Có thể uống oresol như người bình thường nhưng phải pha đúng liều, không được pha đặc sẽ gây nguy hiểm. Ngoài oresol, tuyệt đối không được tự ý mua và dùng bất kì loại thuốc cầm tiêu chảy nào khác mà không có chỉ định của bác sĩ. Mẹ bầu cũng nên nghỉ ngơi nhiều hơn, có thể ăn cháo thịt băm lỏng. Nên nhớ, khi thai phụ mắc bệnh này rất cần nghỉ ngởi và chăm sóc đúng cách.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Lời khuyên của bác sĩ Song Hà là chị em bầu vẫn nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng bệnh, bà bầu cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, luôn thực hiện “ăn chín, uống nước đun sôi”, không ăn rau sống chưa được rửa sạch, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi hay thịt tái… Chú ý không ăn uống ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh. Thực phẩm chế biến xong cần được ăn ngay, không để sang ngày khác, phải đảm báo kỹ thuật an toàn khi chế biến thực phẩm sống và chín.