Dù quan niệm dân gian hay hiện đại đều cho rằng sau sinh nở, hầu hết chị em phụ nữ sẽ đẹp mặn mà hơn, bên cạnh hạnh phúc được chăm sóc và ngắm nhìn thiên thần nhỏ mà mình đã “mang nặng đẻ đau” lớn lên từng ngày. Nhưng sự thật, sau quá trình dài khoảng 40 tuần “vác ba lô ngược” đầy mệt nhọc, nặng nề, không phải chị em nào cũng nhanh chóng có được vẻ đẹp của “gái một con trông mòn con mắt”. Đã có không ít chị em bị “sốc” khi nhìn lại hình dáng của mình trong gương, dù là ngay vừa sinh xong hay cả mấy năm dài sau đó, bởi những thay đổi đầy tiêu cực trên cơ thể.
Muôn kiểu thay đổi đáng thất vọng
Từng nghe nhiều đồn thổi về việc sau khi sinh, kích cỡ vòng 1 sẽ được gia tăng khá nhiều do phải tích lũy mỡ để tạo sữa, chị Hà (TX. Lái Thiêu, Bình Dương) khấp khởi mừng khi biết mình cấn thai bé Susu. Chẳng là từ thời con gái, chị đã rất khổ sở vì vòng 1 “màn hình phẳng” của mình. Đồng thời, tham khảo nhiều nguồn thông tin, chị còn được biết cho bé bú nhiều và thường xuyên ngực sẽ căng đầy sữa, vừa tốt cho con vừa làm cho mẹ thêm tự tin về kích cỡ của cặp tuyết lê. Quả thật sau khi sinh Susu, vòng 1 chị được cải thiện hơn hẳn. Chị không khỏi mừng thầm khi diện những bộ trang phục tôn ngực mà xưa giờ có mơ cũng không dám nghĩ đến. Thế nhưng, chưa kịp mừng bao lâu thì chị Hà đã phải khóc thầm vì sau khi cai sữa cho Susu, vòng 1 của chị không những trở lại kích thước như cũ mà còn bị chảy xệ đến nao lòng.
Không khổ vì vòng 1, chị Mai (Bến Lức, Long An) lại bị những ngấn mỡ ở vòng 2 lấy mất tự tin và vẻ đẹp của thời con gái. Sau sinh, sợ không đủ sữa cho con, chị cố gắng tẩm bổ. Do bé Tin bú tốt, nên hầu như lượng sữa chị có được đều cho hết bé, và chị cũng không tăng cân nhiều. Nhưng dù nhà neo người, đi làm về là phải quay cuồng với con, vóc dáng hầu như đã lấy lại được “phong độ” như xưa, nhưng chỉ có mỗi vòng 2 của chị là không thay đổi so với lúc vừa sinh bé Tin là mấy. Đến nay, dù bé Tin đã 2 tuổi, vòng eo của chị vẫn dừng lại ở số đo “bánh mì”…
Biến đổi thường gặp sau sinh và cách khắc phục
Do tăng giảm đột ngột của lượng hormone trước và sau sinh, do chế độ dinh dưỡng, vận động, tập luyện thể lực, nhất là do cơ địa của mỗi người v.v… đã ảnh hưởng không nhỏ đến vóc dáng và ngoại hình của chị em khi đã trải qua quá trình thai nghén. Trong khi nhiều chị em may mắn lấy lại được số đo 3 vòng khá chuẩn như thời son rỗi, thì cũng có không ít bà mẹ trẻ như chị Hà, chị Mai đã “mất ăn mất ngủ” bởi những biến đổi đáng thất vọng trên cơ thể. Sau đây là những biến đổi thường gặp nhất và một số biện pháp khắc phục khá hiệu quả cho các bà mẹ trẻ:
– Rắc rối với đủ loại vấn đề về da. Da bị tàn nhang, nám vốn thuộc “di chứng” của quá trình mang thai trước đó đã trở thành nỗi ám ảnh không nhỏ của chị em. Nguyên nhân là do khi bầu bí, tuyến hormone nữ đã kích thích sản sinh hắc tố melanin trên da, làm xuất hiện các vết nám, thường lộ diện ở mặt, hai bên má. Mặc dù sắc tố sẫm và đường chỉ nâu dọc bụng sẽ mờ dần sau đó nhưng chúng cũng sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn. Để giảm bớt tình trạng này, chị em nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu có điều kiện, có thể chọn các trung tâm thẩm mỹ uy tín hoặc chuyên khoa da liễu ở các bệnh viện lớn để được tư vấn điều trị. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, điều trị hiệu quả cũng chỉ làm giảm từ 60 – 90% vết nám, và không tự ý dùng thuốc hay điều trị trong thời gian cho con bú để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé. Việc dùng thuốc tránh thai cũng có thể làm gia tăng việc lộ diện các đốm nám, thâm, hay tàn nhang, do đó nên sử dụng các loại thuốc tránh thai liều thấp theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tình trạng này.
Rạn da sau sinh. Đây cũng là nỗi khổ thầm kín của hầu hết chị em. Các vết rạn thường lộ diện ở ngực, bụng, mông hay đùi với nhiều mức độ khác nhau phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Dù các vết rạn sẽ nhạt dần sau vài năm, các “rãnh đỏ” chuyển dần sang màu trắng, nhưng vẫn làm chị em kém tự tin về ngoại hình của mình. Để hạn chế phần nào tình trạng này, có thể dùng kem dưỡng ẩm đặc trị chứa vitamin A, axit chiết xuất từ hoa quả để massage nhẹ nhàng trên vùng da bị rạn, giúp kem thấm sâu vào lớp biểu bì bên trong, kích thích chu trình tái tạo da trên lớp biểu bì, giữ ẩm, làm mềm và sáng da. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại kem sẽ dùng nếu bạn vẫn đang trong thời gian cho con bú.
Da khô, viêm da cũng là triệu chứng thường gặp ở chị em sau sinh nở. Hiện tượng da khô có thể là biểu hiện kém hoạt động của tuyến giáp và chị em có thể massage từ từ, dịu nhẹ phối hợp thoa các thuốc đặc trị theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm giúp kích thích chu trình tái tạo da, giữ ẩm, làm mềm và sáng da. Trong khi đó, với tình trạng viêm da, cần phải được thăm khám để có hướng điều trị hợp lý cho mẹ mà không ảnh hưởng đến bé.
– Vòng 1 chảy xệ. Dù nhiều ý kiến cho rằng bé bú không làm ngực mẹ xấu đi nhưng thực tế, ngực bị chảy xệ sau khi cho con bú lại là chuyện thường gặp ở nhiều chị em. Nguyên nhân là do vòng 1 không có cơ bắp hay dây chằng mà chỉ bao gồm các mô mỡ nên dễ bị chảy xệ, nhất là trong thời gian trước và sau sinh, các ống dẫn sữa phát triển khiến ngực giãn nở, căng tức, thậm chí gây rạn da. Việc ngực bị căng sữa liên tục có thể dẫn đến bị biến dạng sau cai sữa, kèm theo việc cho bé bú không đúng cách sẽ làm tình hình tồi tệ hơn. Nhằm hạn chế sự biến đổi không mong muốn này, các mẹ có thể tập các bài tập thể dục giúp vòng 1 săn chắc hơn; giảm cân từ từ vì trọng lượng mất đi quá nhiều trong thời gian ngắn chính là căn nguyên dẫn đến tình trạng ngực nhỏ, chảy xệ; áp dụng chế độ ăn uống điều độ, giảm lượng chất béo động vật, ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám, đậu, rau xanh, dầu ô liu và trái cây tươi giàu vitamin B, E giúp duy trì độ đàn hồi cho da; tắm vòi sen nóng hay lạnh cũng là cách hiệu quả để cải thiện vòng 1, vì áp lực nước và nhiệt độ giúp massage cơ thể, cải thiện lưu thông huyết mạch và làm vòng 1 săn chắc hơn….
– Vòng 2 “phì nhiêu”, không săn chắc. Trong thời kỳ bầu bí, phần lớn diện tích da bụng của chị em bị căng dãn quá mức, dẫn đến tình trạng sau sinh, phần da này không có khả năng phục hồi nên tạo thành vùng da thừa chảy xệ. Việc tích lũy mỡ để tạo sữa cho bé trong suốt thời thai nghén và sau sinh cũng là tác nhân không nhỏ dẫn đến nguy cơ sở hữu “vòng eo bánh mì” ở bà mẹ trẻ. Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là tăng cường các bài tập thể dục khoảng 15 – 20 phút mỗi ngày vừa giúp vòng eo và cơ thể săn chắc hơn, vừa đào thải được nhiều độc tố và chất cặn bã trong cơ thể qua tuyến mồ hôi. Ngoài ra, điều chỉnh thực đơn với các món ăn giàu chất xơ, vitamin, uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, đảm bảo ngủ đủ giấc ít nhất 7 – 8 giờ/ ngày … cũng giúp hạn chế phát sinh mỡ thừa và làm đẹp da.
– Vùng kín bị giãn sau sinh. Lo lắng thầm kín này lại là tình trạng thường gặp ở những chị em đã trên 2 lần sinh nở. Bình thường, âm đạo có độ đàn hồi, co giãn tốt, khi chưa quan hệ, chiều rộng âm đạo chỉ khoảng 1,5 cm, sau khi sinh hoạt tình dục, kích thước vùng này tăng đến 2 – 3 cm. Đặc biệt, sự thay đổi âm đạo diễn ra mạnh nhất sau khi bạn trải qua quá trình sinh thường, vì để bé chui ra ngoài, các cơ vòng âm đạo phải giãn rộng tối đa lên đến 10 cm. Dù sau đó các cơ này sẽ co lại nhưng cũng giống như một sợi dây chun sau khi giãn quá mức, âm đạo khó thu về độ chật hẹp và ôm khít như ban đầu, đặc biệt với những trường hợp sinh nhiều lần hoặc sinh khó, thời gian chuyển dạ kéo dài. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chăn gối vợ chồng, làm cho người vợ thiếu tự tin, ít ham muốn và làm giảm hứng thú quan hệ ở người chồng. Chưa kể, âm đạo giãn rộng có thể gây ra tình trạng tiểu không tự chủ và tạo mùi khó chịu. Có thể hạn chế tình trạng này bằng cách luyện các bài tập rèn cơ xương chậu (bài tập Kegel), thông thường bài tập này phải được thực hiện hàng ngày ít nhất 6 tháng mới mang lại hiệu quả. Nếu tình trạng âm đạo bị giãn rộng quá mức, chị em có thể thực hiện phẫu thuật thu hẹp âm đạo tại các bệnh viện lớn, uy tín. Đây là dạng tiểu phẫu đơn giản, tỷ lệ thành công cao nhưng cần được thực hiện bởi đội ngũ chuyên khoa có tay nghề để tránh các rủi ro có thể xảy ra như nhiễm trùng, hay âm đạo bị thu hẹp quá mức v.v…
Tóm lại, dù thế nào thì quy luật “khỏe chính là đẹp” vẫn đúng, cả với chị em phụ nữ sau sinh. Vì vậy, hãy tập trung nhất vào việc nâng cao sức khỏe của bản thân bằng một chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tập luyện thân thể hợp lý. Kết hợp với tinh thần thoải mái, vui tươi, tránh xa stress chắc chắn sẽ giúp các bà mẹ trẻ thêm đẹp, tự tin và rạng rỡ hơn.