Làm thế nào để vẫn đảm bảo hiệu quả công việc khi bầu bí là băn khoăn của không ít mẹ bầu.
Chị An Lý (Hà Nam) chia sẻ: “Em mới mang thai được mấy tuần mà ốm nghén mệt mỏi lắm các mẹ ạ. Hơi tý là nôn mật xanh mật vàng. Nhiều người thấy em nôn ói ghê quá cũng khiếp. Nhưng mà biết làm thế nào được bây giờ. Đến công ty việc thì nhiều mà chả giải quyết được mấy. Từ ngày mang bầu, hiệu quả làm việc kém hẳn đi. Chỉ sợ sếp lại gọi lên, nhỏ to tâm sự rồi cho cái thông báo nghỉ việc thôi. Mấy chị ở cơ quan em bị rồi đấy. Sợ lắm”.
Cùng cùng nỗi lo thất nghiệp như chị An Lý là chị Hoàng Trang (Ninh Bình): “Công ty em kinh lắm chị ạ. Xin nghỉ khám thai mà mặt các chị hành chính “khó như đâm lê” ý. Em có muốn nghỉ đâu nhưng mà tình thế bắt buộc đấy chứ. Hôm nào người đau nhức, mệt mỏi quá em cũng chả dám nghỉ, đành đi taxi đi làm. Nghỉ nhiều các chị ấy lại “nói khéo” này kia rồi đến tai sếp có khi mình bị “hất cẳng” như chơi ý. Giờ mà thất nghiệp thì nằm nhà thôi. Chả chỗ nào người ta nhận. Khổ quá cơ”.
Trong thời gian mang thai, bên cạnh những đau nhức, khó chịu do sự thay đổi hormone, trọng lượng cơ thể, nhiều mẹ bầu còn phải đối mặt với nỗi trăn trở làm thế nào để đảm bảo hiệu quả công việc và không bị “ra đường” trong thời buổi khó khăn này. Tuy nhiên, thay vì than vãn, lo lắng, chị em nên lưu ý thực hiện một số lời khuyên dưới đây để hạn chế tình trạng này.
Thông báo cho sếp biết khi bạn mang thai
Thông thường mỗi khi có “tin vui” chị em thường háo hức chia sẻ ngay bí mật này với những người bạn đồng nghiệp thân thiết của mình. Tuy nhiên các chuyên gia tâm lý lại khuyên rằng bạn nên đợi đến thai kỳ thứ 2 khi nguy cơ sảy thai giảm đáng kể để bắt đầu “buôn dưa” với những người khác tại công sở.
Bên cạnh đó, chị em nên lưu ý rằng chắc chắn “ông sếp, bà sếp” khó tính sẽ chẳng muốn nghe tin tức bầu bí của bạn từ “đài phát thanh” ở cơ quan. Vì vậy hãy tìm hiểu chính sách nghỉ thai sản ở nơi bạn làm việc rồi sắp xếp một cuộc hẹn hay gửi email thông báo cho sếp khi bạn muốn bật mí “bí mật” của mình.
Ngoài ra, việc cam kết đảm bảo hiệu suất làm việc với sếp là cách giúp chị em không bị “hất cẳng” ra khỏi cơ quan trong thời buổi “nhà nhà tìm việc, người người tìm việc này”.
Đánh bại sự mệt mỏi tại nơi làm việc
Khi mang thai, sự thay đổi hormone, trọng lượng trong cơ thể thường khiến chị em cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên những khó chịu ấy lại chẳng phải là chiếc “chìa khóa vàng” để giảm bớt công việc cho bạn. Bởi thế hãy cố gắng hạn chế, thậm chí là đánh bại sự uể oải tại văn phòng. Nếu bạn thường xuyên chóng mặt, hãy đem một chút snack, đồ ăn vặt tới công sở và “đánh chén” ngay mỗi khi cơn buồn nôn chuẩn bị ập đến.
Bên cạnh đó, nếu phải đi họp thường xuyên, hãy chọn chỗ ngồi cạnh cửa để bạn có thể nhanh chóng chạy vào “ôm bồn cầu” khi bắt đầu muốn “phun ra mật xanh mật vàng”. Ngoài ra, trong trường hợp tình trạng ốm nghén của bạn quá nặng, chị em nên tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ.
Một số mẹ bầu tâm sự rằng khi “vác ba lô ngược”, họ thường xuyên cảm thấy buồn ngủ đến nỗi cứ vài tiếng lại phải “chớp mắt” một lần. Để hạn chế tình trạng “gật như nhà Phật” khiến sếp phải “nhức mắt” này, chị em nên chịu khó, vận động đi lại trong giờ nghỉ trưa hoặc nhai kẹo cao su trong giờ làm việc.
Tránh khám thai vào những ngày họp tháng
Trong thời gian bí bầu, lẽ dĩ nhiên chị em thường xuyên phải đi khám thai. Vì vậy hãy sắp xếp lịch hẹn với các bác sĩ sản khoa một cách khôn ngoan. Các mẹ bầu nên chủ động hẹn bác sĩ vào đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều để tránh tình trạng người người xếp hàng như thời bao cấp. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng như ý muốn và đôi khi chị em vẫn phải “nghển cổ” chờ đợi bác sĩ. Do đó các mẹ nên mang theo một số giấy tờ, văn bản để giải quyết trong trường hợp ngồi chờ tới lượt khám.
Ngoài ra, khi lên lịch khám thai, chị em công sở hãy tránh xa những ngày họp định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Điều này sẽ giúp các mẹ bầu “ghi điểm” trong mắt sếp và loại bỏ lo lắng bị sếp đánh giá khi vắng mặt tại những cuộc họp quan trọng.
Bàn giao công việc cẩn thận trước khi “vượt cạn”
Trước khi “vượt cạn” một tháng, chị em cần chủ động thông báo ngày dự kiến xin nghỉ thai sản và ngày trở lại làm việc cho sếp và phòng nhân sự. Sau đó, hãy sắp xếp công việc và bàn giao cẩn thận lại cho đồng nghiệp trong nhóm hoặc phòng. Lưu ý ghi cụ thể từng đầu việc, tên người phụ trách và để lại số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng trong trường hợp cơ quan cần liên lạc khẩn cấp với bạn về một vấn đề nào đó.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng những tuần đầu tiên sau khi “bể chum” là thời gian để bạn bình phục sức khỏe. Bởi vậy thay vì “ôm đồm” và “chỉ đạo công việc từ xa”, bạn nên dành thời gian dưỡng sức và chăm sóc “thiên thần nhỏ”của mình.