Hầu hết chị em đều đồng ý rằng mụn trứng cá là vấn đề phổ biến, dễ gặp nhất khi mang thai. Nhiều năm qua mẹ không biết đến một cái mụn nào thì đến nay, khi mẹ đang ngập tràn hạnh phúc chờ đợi bé yêu ra đời, chúng bỗng thình lình “ghé thăm”. Làm thế nào để giải quyết chỗ mụn đáng ghét này?
Điều đầu tiên bạn cần nhớ rằng đừng vội vàng đi mua ngay kem trị mụn bởi có những loại kem trị mụn mẹ bầu không nên sử dụng. Những sản phẩm có chứa thành phần retinoid, benzoyl peroxide, hay acid salicylic đều ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các biến chứng nghiêm trọng. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để được cung cấp thông tin về các sản phẩm an toàn, hữu ích. Ngay cả với các sản phẩm trị mụn trứng cá ngoài danh mục, mẹ cũng đừng chủ quan, cần kiểm tra tất cả các thành phần để chắc chắn chúng không gây hại cho bé. Một sự lựa chọn thông minh cho chị em đó là đầu tiên, hãy thử trị mụn bằng các phương pháp tự nhiên, nếu không hiệu quả mới chuyển sang các sản phẩm điều trị khác.
Nguyên nhân gây mụn
Hoocmon! Cũng giống như hầu hết các “tác dụng phụ” trong quá trình mang thai, mụn trứng cá hay mụn nhọt đều là kết quả của việc thay đổi nội tiết tố. Điều này mở rộng và thúc đẩy hoạt động của các tuyến sản xuất bã nhờn làm các lỗ chân lông bị bịt kín, kết hợp với các yếu tố từ môi trường (như ô nhiễm hay khói thuốc lá, khói xe) khiến bề mặt da trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển và mụn hình thành. Mụn trứng cá thường hay xuất hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ vì tại thời điểm này, nội tiết tố của chị em thất thường nhất. Tuy nhiên, chúng cũng có thể kéo dài trong suốt thai kỳ và mức độ nghiêm trọng tùy thuộc ở mỗi người.
Đọc thêm: Rối loạn nội tiết tố bị nổi mụn
Lời khuyên của các chuyên gia
Chị em có thể rất phiền lòng với mụn trứng cá khi mang thai nhưng đó cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy hàm lượng hoocmon đang thay đổi đúng hướng. Thông thường, hàm lượng kẽm thấp là nguyên nhân cơ bản gây ra mụn trứng cá, ngoài ra nó cũng làm chậm quá trình lành vết thương trên da. Nhau thai là nơi dự trữ nhiều kẽm nhất trong cơ thể để cung cấp cho cơ thể khi cần thiết. Vì vậy, mẹ cần chú ý bổ sung kẽm, nhất là trong thời gian mang thai để đảm bảo lượng dự trữ đầy đủ. Kiểm tra lượng kẽm trong huyết thanh là một trong những phương pháp giúp mẹ biết mình có đang thiếu kẽm hay không. Bên cạnh đó, mẹ cần nhớ bổ sung vitamin C để tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa mụn trứng cá, uống nhiều nước để đào thải các độc tố trong cơ thể.
Dầu dừa là một trong các sản phẩm hữu ích giúp chị em “đánh bay” mụn trứng cá trong thời gian mang thai. Đừng nhầm lẫn nó với các loại dầu khác. Dầu dừa là “người bạn tuyệt vời” của làn da mụn với đặc tính kháng nấm và chống vi khuẩn. Nó cũng rất tốt cho tim, tăng cường hệ thống miễn dịch và nhiều tác dụng khác nữa.
Thay thế kem dưỡng ẩm hiện tại của bạn bằng dầu dừa hoặc thoa một lớp mỏng lên da ít nhất một lần một ngày để có được làn da mịn màng như mong muốn. Xin mách mẹ một lợi ích nữa của dầu dừa để sau này mẹ có thể áp dụng. Dầu dừa có thể chữa trị “cứt trâu” trên da đầu trẻ sơ sinh, bởi lớp vảy đó cũng được hình thành do tuyến nhờn của da tiết ra chất nhờn và da đầu bị chết và hóa sừng, tích tụ trong thời gian dài.
Một số “mẹo” dưới đây mẹ có thể dùng để đối phó với mụn trứng cá cả trong và ngoài thời gian mang thai.
– Tuyệt đối không nặn mụn trứng cá vì vi khuẩn có thể lây lan hoặc để lại sẹo trên da. Hãy thử các giải pháp tự nhiên như kẽm, vitamin C, dầu dừa, chế phẩm sinh học và thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo an toàn mà vẫn đạt hiệu quả như mong muốn.
– Không rửa mặt nhiều lần bằng sữa rửa mặt làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da khiến da khô và càng tiết nhiều dầu hơn hoặc da trở nên mẫn cảm hơn.
– Trang điểm ít nhất có thể. Nếu bắt buộc phải trang điểm, bạn nên dùng các mỹ phẩm dạng huyết thanh(sérum) cung cấp cho da các hoạt chất cần thiết mà không bịt kín lỗ chân lông; tẩy trang thật sạch trước khi đi ngủ.
– Rửa mặt nhẹ nhàng, không chà xát mạnh.
– Kiểm soát chế độ ăn để giảm và thải bỏ độc tố. Cắt giảm các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, đường tinh luyện (và bất cứ thứ gì có chất làm ngọt nhân tạo), các sản phẩm chế biến từ lúa mì… Bạn cũng đừng quên ăn nhiều rau để cơ thể khỏe mạnh, có lợi cho bé.
– Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ sản phẩm trị mụn nào.
Tham khảo chi tiết: Cách chăm sóc da mụn khi mang thai