Theo BS Hoàng Diễm Thúy (Trưởng khoa thận BV Nhi đồng 2) trẻ dưới 1 tuổi không cần thiết xi tè. Thư của độc giả Phạm Hà Linh (Hào Nam – Hà Nội) bày tỏ lo lắng khi nghe được một người bạn nói việc xi tè cho trẻ sẽ khiến ảnh hưởng đến thận của bé thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em.
Mặc dù, người bạn nói như vậy nhưng với chị Hà Linh, việc xi tè ngay từ khi bé mới sinh ra đã có tác dụng rõ rệt, độc giả này cho biết: “Ngày 3 lần, cứ khi nào em bế bé kêu “xi xi” một lúc là con tè được ngay. Em rất mừng và hãnh diện về thói quen này của Mít. Con biết xi tè, mẹ vừa đỡ tốn bỉm, lại chủ động được trong việc vệ sinh, khỏi lo hăm tã”.
Một số phụ huynh khác đã tập thói quen cho trẻ, như độc giả Huy Hanh viết: “Tôi cũng có 2 con ngay từ bé khoảng 1 tháng tôi đã xì tè, đại tiểu cho bé, tập thói quen cho con mình. Cứ sáng ngủ dậy là đi cầu còn trong ngày thì xì tè như vậy khi cho con đi đâu cả ngày không phải lo con bậy ra quần. Chỉ một thời gian con sẽ quen chỉ cần căn giờ là bé tự động đi chẳng phải xì nữa (đêm tôi vẫn mang tã cho bé)”.
Một độc giả khác đồng tình quan điểm tập xi tè cho trẻ nhưng phải đúng thời điểm, phụ huynh này kể: “Bé nhà mình mới chưa đầy 2 tháng thôi đã được tập xi tè, đại tiện rồi, tất nhiên là dựa vào biểu hiện của bé và khoảng thời gian bao lâu bé tè 1 lần khi không được xi”.
Bác sĩ chuyên khoa thận nhi nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, Th.S – BS Hoàng Thị Diễm Thúy (Trưởng khoa thận – Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Việc xi tè cho trẻ để tạo thói quen phản xạ có điều kiện là tốt, không làm ảnh hưởng đến thận như một số người quan niệm. Tuy nhiên, với trẻ quá nhỏ, dưới 6 tháng tuổi, nếu xi tè cũng không tạo được thói quen. Để tập được phản xạ có điều kiện nói trên thì trẻ phải trên 1 tuổi, động tác xi tè không cần thiết với trẻ dưới 1 tuổi”.
Mặc dù việc xi tè cho trẻ để tạo thói quen đi tiểu theo những thời điểm trong ngày là tốt nhưng phải đợi sau khi cho trẻ bú một khoảng thời gian nhất định, để bé có đủ nước tiểu trong bàng quang. “Với trẻ từ 1-2 tuổi, từ sáng đến tối đi tiểu 4-5 lần, ban đêm đi thêm 1-2 lần. Như vậy, cứ 3-5 tiếng, tùy theo lượng nước đưa vào cơ thể của trẻ mà phụ huynh xi tè 1 lần là tốt nhất”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy nói thêm.
Để đảm bảo thận của trẻ phát triển tốt ngay từ những năm tháng đầu đời, bác sĩ Thúy đưa ra lời khuyên: “Các phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ vùng đi tiểu của trẻ, khi phát hiện tiểu đục hay đau cần đưa tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Về thói quen ăn uống, nhiều phụ huynh bồi dưỡng bằng cách cho con ăn chất đạm quá nhiều nhưng thận của bé dưới 6 tháng tuổi không lọc được hết chất đạm. Lượng chất đạm đưa vào cơ thể cần phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn quá mặn ảnh hưởng đến thận. Thêm nữa, cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vì có những loại thuốc gây hại cho thận”.
Một yếu tố quan trọng khác có liên quan đến hoạt động của thận là nước, tuy nhiên phụ huynh cần lưu ý không cho trẻ uống quá nhiều hay quá ít nước. Với trẻ dưới 1 tuổi, tính cả sữa, nước canh cho vào cơ thể thì uống khoảng 1 lít/ngày là phù hợp.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, dấu hiệu của các bệnh liên quan đến thận khi rõ ràng là đã vào giai đoạn muộn. Còn dấu hiệu sớm có chăng chỉ là chậm tăng cân, xanh xao, nôn ói… nhưng nhiều phụ huynh thường bỏ qua những dấu hiệu sớm này và thường đưa đến các chuyên khoa khác để thăm khám, chứ không nghĩ đó là bệnh liên quan đến thận.