Chị Huyền đã rất hối hận khi phải bỏ thai do chủ quan không phòng bệnh lúc chuyển mùa…
Phải bỏ con vì mắc bệnh cảm cúm
Câu chuyện đáng buồn của chị Như Huyền là bài học mà các chị em bầu cần đặc biệt chú ý. Chị chia sẻ trên một diễn đàn dành cho mẹ và bé cách đây không lâu rằng chị đã mất đi đứa con đầu lòng chỉ vì chủ quan, phớt lờ với thời tiết thay đổi những ngày cuối hạ đầu thu. Chỉ vì căn bệnh cảm cúm tưởng chừng rất đơn giản thế mà nó đã cướp đi đứa con chưa kịp chào đời. Xin được trích nguyên văn chia sẻ của chị.
“Mấy hôm nay tiết trời Hà Nội thất thường quá, nói nắng là nắng, nói mưa là mưa luôn được. Chẳng thế mà người người “lăn” ra ốm cả, đặc biệt là bà bầu và trẻ con – những người có sức đề kháng yếu. Vì mình cũng đang mang bầu, cũng đã lãnh chịu hậu quả đau đớn từ cái sự chủ quan với tiết trời này nên mấy hôm nay cứ phải cẩn trọng từng ly từng tí để không bị dính nước mưa, không ra ngoài khi trời nắng để mình không thể bị cảm cúm nữa. Cũng thời gian này 2 năm trước, khi mình đang mang bầu ở tuần thứ 8 thì bị mắc cảm cúm. Ngày đó mình nghĩ đơn giản lắm, chắc là thời tiết thay đổi mưa xuống nắng lên nên ốm là chuyện đương nhiên. Vì không uống thuốc nên bệnh tình của mình ngày càng nặng và còn kèm theo triệu chứng ho nữa. Mình vẫn quyết tâm không dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con. Khoảng 2 tuần sau bệnh mới khỏi. Mình cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều nhưng đến tuần 16 đi làm xét nghiệm triple test thì bác sĩ kết luận thai nhi của mình có vấn đề.
Lúc đó mình như “ngồi trên đống lửa”. Hai vợ chồng khỏe mạnh bình thường, mình chỉ mới 25 tuổi mà 16 tuần qua lần nào khám thai con cũng khỏe mạnh bình thường thì liệu có vấn đề gì đây. Mình được yêu cầu chọc ối và kết quả là con bị dị tật hình thái ở mắt, mũi. Đắng lòng vô cùng nhưng cuối cùng cũng phải nhắm mắt chịu đau đớn để bỏ đi đứa con chưa kịp hình thành rõ mặt. Nguyên nhân được cho là chính tại virus cảm cúm đấy các mẹ ạ. Vì vậy lần này mang thai mình sợ cảm cúm vô cùng. Mình đã phải tiêm phòng cúm ngay từ trước khi mang thai nhưng phòng thì phòng thế thôi chứ virus cúm có hàng trăm loại, sao phòng hết được. Chỉ còn cách là tự chăm sóc bản thân để khỏi mắc bệnh thôi.
Vì vậy mình cảnh báo các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý với kiểu thời tiết thất thường này nhé. Chỉ cần bạn dính chút nước mưa hay đi nắng nhiều là bị cảm luôn đó. Mà hậu quả của cảm cúm trong những tháng đầu thai kỳ thì quá tàn khốc.”
Thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường là cơ hội để virut cúm tấn công mẹ bầu. Vì thời gian mang thai, sức đề kháng của chị em yếu nên nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Khi bị bệnh cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai nhi cùng vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, tốt hơn hết mẹ bầu nên học cách để phòng ngừa bệnh.
Mách nhau cách phòng, trị cảm cúm
Theo các chuyên gia khoa sản, bị cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ là vô cùng nguy hiểm. Virus cúm có thể gây dị tật cho thai nhi, khi người mẹ bị nhiễm virus ở giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai. Khi người mẹ bị nhiễm cúm nặng thì tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra có thể làm cho thai bị lưu và gây sảy thai. Nhiều tài liệu cho rằng cúm có thể gây sứt môi, đục thuỷ tinh thể mắt cho thai.
Chính vì vậy việc phòng bệnh cảm cúm, ho cho mẹ bầu là vô cùng quan trọng. Hãy nghe kinh nghiệm phòng chữa bệnh của các mẹ nhé!
Phòng cúm bằng nước cam
Đó là cách mà mẹ Như Huyền đã áp dụng trong lần mang thai thứ 2 này. Chị chia sẻ: “Tiêu chí của mình là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy ngày nào mình cũng uống đủ 200ml nước cam pha mật ong hoặc đường để tăng sức đề kháng các mẹ ạ. Mùa này bắt đầu có cam sành Hà Giang rồi, các mẹ chịu khó mua về ăn hoặc vắt nước uống nhé. Mấy tháng trước không có nhiều cam thì mình uống nước chanh đường. Mình thấy cách này hiệu quả phòng bệnh lắm. Lần này mang thai tháng thứ 8 rồi, hy vọng “đầu xuôi đuôi lọt”. Mong được gặp mặt con lắm rồi!”
Chanh đào
“Cách phòng bệnh cảm cúm, ho khi thời tiết chuyển mùa mà mẹ chồng mình truyền lại cho hay lắm nhé. Từ ngày mình có bầu ngày nào bà cũng nhắc nhở phải uống 1 thìa chanh đào ngâm mật ong vào buổi sáng. Theo mẹ chồng mình thì chanh đào chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc… Ngoài ra, ruột quả chanh còn chứa hàm lượng đáng kể acid xi-tric nên có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng hiệu quả. Cứ mỗi mùa chanh đào, mẹ mình đều mua vài cân để ngâm, dùng dể phòng và chữa bệnh cảm, ho. Vì sáng nào mình cũng nhâm nhi một thìa cà phê nước chanh đào mật ong trước khi ăn sáng nên thấy người khỏe lắm, chẳng lo bị bệnh khi trái gió trở trời đâu. Mình khuyên các mẹ bầu nên phòng bệnh bằng cách này”, độc giả Lan Hương ở địa chỉ nguyenlanhuong…@gmail chia sẻ.
Làm bạn với sữa chua
Cách làm tăng sức đề kháng cho cơ thể của mẹ bầu Minh An (Hà Nội) lại rất đơn giản. Chị kể từ ngày con gái chị đã “nghiện” sữa chua. Đến lúc mang bầu chị vẫn tiếp tục ăn, có ngày ăn đến 2 hộp. “Ăn sữa chua vừa giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, vừa bổ sung canxi lại làm đẹp da nữa các mẹ ạ. Mình thường để lại một ít sữa chua sau khi ăn để thoa lên mặt và 20 phút sau rửa lại. Mình thấy ăn sữa chua vừa khỏe người lại đẹp da, thật tuyệt”, mẹ Minh An bật mí.
Trị cảm cúm bằng tỏi
Những phương pháp trên là để phòng bệnh cảm cúm, ho khi giao mùa, nhưng nếu mẹ bầu lỡ mắc bệnh thì phải làm thế nào đây. Chị em bầu thường rất ngại dùng thuốc, vì vậy cách chữa dân gian vẫn được “tín nhiệm” hơn cả. Chia sẻ về chiêu chữa cảm cúm khi mang thai, chị Hồng ở địa chỉ tranhong…@gmail.com viết: “Hồi mang bầu Bi mình bị cảm cúm đấy nhưng may mà chữa trị kịp thời nên chỉ 4 ngày sau là mình khỏi bệnh. Cách của mình là sử dụng tỏi. Hồi đó mình bị nghẹt mũi nên thường lấy tỏi giã nhỏ rồi cho vào lọ nước muối sinh lý 0,9% để nhỏ. Các mẹ nhớ là chỉ cần ½ nhánh tỏi thôi nhé không là sẽ nóng lắm đấy. Kết hợp cùng nhỏ mũi, mình cũng ăn tỏi ‘nhiệt tình’ hơn. Chỉ nhờ có vậy mà mình hết cảm. Thật may mắn là mình bị cúm khi mang thai tháng thứ 7 rồi nên cũng không đáng lo lắm”.
Ngoài những cách dân gian trên, mẹ bầu cũng cần chú ý những điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết giao mùa:
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng: Các loại virus gây cảm có khả năng lây lan và phát tán mạnh mẽ. Nếu bạn chạm tay vào điện thoại, bàn phím máy tính, nắm cửa… chứa virus thì nguy cơ mắc bệnh khá cao. Bởi vì các loại virus này có thể sống hàng giờ, thậm chí, cả ngày trên bàn tay con người. Vì vậy, chị em nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, chú ý chà xát các kẽ ngón tay trong vòng một vài phút và lau khô tay bằng khăn sạch.
– Ăn nhiềurau quả: Các loại rau quả có màu xanh sậm, vàng, đỏ rất giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng củng cố sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại chứng bệnh cảm cúm.
– Hít thở không khí trong lành: Thời tiết mùa lạnh, hay mùa mưa khiến chị em ngại vận động ngoài trời. Đây chính là nguy cơ làm gia tăng tình trạng cảm ở thai phụ . Trừ những ngày quá lạnh, nếu không, bạn cũng nên đi bộ ngoài trời, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi cảm.
– Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt giữ cho chân luôn được ấm bằng cách, bôi dầu nóng vào lòng bàn chân và giữ ấm cổ khi đi ngủ. Khi ra đường vào sáng sớm hoặc chiều tối, chị em cũng cần giữ ấm cơ thể.
– Uống nhiều nước: Mẹ bầu nên uống tối thiểu 6-8 cốc nước mỗi ngày khi mang thai. Dấu hiệu đơn giản để nhận biết cơ thể thiếu nước hay không được phân biệt qua màu sắc của nước tiểu: Nếu nước tiểu có màu vàng trong, chứng tỏ bạn đã uống đủ nước. Nếu nước tiểu sẫm màu, bạn cần bổ sung thêm nước uống. Nước có tác dụng “súc rửa” và thanh lọc những độc hại trong cơ thể, tăng sức đề kháng, giúp mẹ bầu phòng chống bệnh.