Cứ thấy mẹ chuẩn bị đưa thìa bột vào miệng là bé Titô rướn người lên, khóc ngằn ngặt…
Bé Titô được 5 tháng, chị Quỳnh tập cho con ăn dặm. Ban đầu, Titô rất thích bột ngọt nên việc cho con ăn với chị rất nhàn. Mỗi bữa, chị chỉ cần bón một loáng là con đã ăn xong, có khi bé nuốt nhanh đến mức mẹ đút bột không kịp.
Chưa kịp mừng thì chị Quỳnh lại stress nặng. Titô được 7 tháng nhưng 5 ngày gần đây, chị không thấy con hào hứng với bột nữa. Cứ thấy mẹ chuẩn bị đưa thìa bột lại gần là bé rướn người lên, khóc ngằn ngặt. Nếu có há miệng, bé cũng chỉ ngậm bột trong mồm rồi hờn “i ỉ” thay vì nuốt ực rất nhanh như trước đây.
Nghĩ con “chê” bột ngọt, chị Quỳnh chịu khó đổi món bột mặn với thịt bò, thịt gà… Sữa bé cũng lười uống. Sữa chua chỉ ăn 1-2 thìa là bé khóc rồi không chịu ăn nữa. Mỗi lần nghĩ đến chuyện ăn của con, chị căng thẳng vô cùng. Chị Quỳnh thấy Titô không có biểu hiện ốm, sốt hay bệnh nên còn chần chừ đưa con đi khám.
Chị Hân (nhân viên văn phòng cho một công ty du lịch ở Hà Nội) có cu Bo hơn 7 tháng tuổi và có 2 răng cửa dưới mới nhú. Dạo này, chị rất căng thẳng vì con lười ăn. Lúc trước, Bo ăn rất ngoan, chỉ nằm yên trong vòng tay bà cho mẹ tha hồ đút bột. Cả nhà ai cũng khen “trộm vía, ngoan quá” dù cân nặng của Bo vừa đủ chuẩn. Thế mà cả tuần nay, Bo không chịu ăn bột; sữa cũng lười uống, cả ngày được vài gạt sữa mà lần nào cũng bú không hết. Có hôm, chị Hân để đến tận 12h30 trưa cho con thật đói mới đút bột. Thế mà Bo cũng cương quyết không ăn.
Khác với chị Hân và chị Quỳnh, chị Liên (một người mẹ từng có con lười ăn lúc 7-8 tháng tuổi) cho biết, lúc trước cô cũng thế. Bé Vy nhà chị thấy mẹ chuẩn bị xúc bột là giãy nảy lên, miệng ngậm chặt lại và quay đầu ra chỗ khác. Đang loay hoay định nghỉ việc đưa con đi khám thì bé Vy lại ham ăn trở lại làm mẹ phấn khởi “hết lời”.
Sau đó, chị đúc kết kinh nghiệm lười ăn ở bé nhà mình là do mọc răng nên lười ăn (nuốt vào khiến lợi bị đau). Thứ hai, bé Vy khi nhú răng lên là bắt đầu ghét bột. Bé có thể nhai vài hạt cơm nát hay một sợi mỳ. Bánh gạo, bánh quy bé nhai “rau ráu” nhưng bột thì nhất định “chê”. Từ đó, chuyển cho con sang ăn cháo ninh nhừ. Ban đầu, chị cho xay cháo thành lợn cợn. Sau thì ninh cháo loãng rồi chuyển thành đặc cho con ăn.
Giai đoạn bé bắt đầu thích thức ăn lợn cợn
7-8 tháng tuổi là thời điểm bé bắt đầu thích đồ ăn lổn nhổn cũng như ăn bốc. Những đồ ăn tốt cho bé giai đoạn này: phômai, mỳ ống, ruột bánh mỳ xắt nhỏ dạng hạt lựu; lòng đỏ trứng luộc xắt hình hạt lựu; thịt và cá không xương… Vì thế, nhiều bé không còn hứng thú với độ mịn của bột mà thích thức ăn cứng vì được nhai dù bé chỉ có một ít răng.
Nếu bé lười ăn bột ở giai đoạn này, cha mẹ không nên quá lo lắng. Bởi vì phần lớn các bé 7-8 tháng đã ăn được thực phẩm có kết cấu lổn nhổn. Học nhai ở thời điểm này đặc biệt cần thiết vì nó giúp cơ hàm và răng lợi chắc khỏe. Cũng như rất có lợi cho quá trình học ăn – học nói về sau này của bé. Thay vì nghiền mịn đồ ăn, chỉ nên xay qua và thêm sữa hoặc nước vào đó để làm đặc hay loãng đồ ăn dặm, tùy ý.
Khi bé ngán bột, hãy thử chuyển sang cho bé ăn cháo hạt ninh nhừ, loại bỏ phần cái đặc. Cho bé 7-8 tháng ăn cháo được nấu chín rồi cho vào máy xay thì cũng mềm như bột nấu chín, không hại dạ dày cho bé. Đổi món cho bé với soup cũng là một gợi ý hay.
Bé 7-8 tháng cũng rất quan tâm đến đồ ăn bốc hay những món có trong bát của mẹ, chứ không phải bát của bé. Vì thế, cha mẹ nên là người hiểu rõ sở thích ăn uống của con nhất. Nếu bé thích bốc, có thể cùng bé ăn rau củ nấu chín, xắt hạt lựu, mỳ cắt ngắn không bị rối vào nhau thành một mớ để tránh hóc nghẹn cho con… Có thể đổi bữa cho bé ăn mỳ vào bữa sáng thay vì lúc nào cũng bắt bé ăn cháo. Nhưng nên chế biến món mỳ thành món bổ dưỡng với rau, thịt để bé ngon miệng và đủ năng lượng phát triển.
Qua một vài hôm bé có thể ăn tốt trở lại. Nếu không, các mẹ hẵng đưa con đi khám bác sĩ dinh dưỡng.