Bất chấp những văn bản quy định về dạy thêm – học thêm từ Bộ Giáo dục và đào tạo và các Sở, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều trường khiến phụ huynh bức xúc.
Ban giám hiệu không biết ?
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói: Ở cấp tiểu học, chúng tôi tuyệt đối nghiêm cấm giáo viên không được dạy thêm với bất kỳ hình thức nào. Đối với các cấp học khác, nếu giáo viên có dạy thêm, cần phải đăng ký và xin phép ban giám hiệu trường
Đầu năm học, phụ huynh tại TP.HCM liên tục phản ánh nhiều giáo viên tìm cách lôi kéo, ép học sinh (HS) đi học thêm. Đáng nói, phần đông những trường hợp này là HS tiểu học. Mới đây nhất, phụ huynh của Trường tiểu học Nguyễn Sơn Hà (Q.3) đã gửi đơn đến UBND quận, Phòng Giáo dục Q.3 và Sở GD-ĐT TP.HCM phản ánh đầu năm học, giáo viên trường này đã thông báo với phụ huynh có mở lớp phụ đạo ngay tại trường. Theo thông báo, được sự cho phép của ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm mở lớp phụ đạo dạy trong các chiều thứ hai, ba và năm hằng tuần, thời gian học từ 16 giờ 10 – 17 giờ 40, học phí 400.000 đồng/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phước, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Sơn Hà, thừa nhận vụ việc đúng như phụ huynh phản ánh. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm của một lớp 1 đã gửi thông báo này đến phụ huynh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề ban giám hiệu có đồng ý cho phép giáo viên mở lớp thì ông Phước không trả lời thẳng. Ông chỉ cho biết: “Nhà trường không có chủ trương dạy thêm vì điều này trái với quy định của ngành. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh, sẽ không có chuyện dạy phụ đạo, hay dạy thêm tại trường”. Một cán bộ của Phòng Giáo dục Q.3 cũng cho rằng: “Ngay từ đầu năm học, phòng đã có cuộc họp với toàn thể hiệu trưởng của các trường tiểu học trên địa bàn quận. Chúng tôi nghiêm cấm các trường, giáo viên tổ chức dạy thêm với bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi không bao che cho những sai phạm của giáo viên và hiệu trưởng tổ chức dạy thêm”.
Không học thêm thì bị chì chiết!
Năm học này Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường không chấm điểm HS lớp 1, thay vào đó là tăng cường đánh giá bằng nhận xét. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT còn nhấn mạnh giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
Thế nhưng ở một số trường tiểu học tại TP.HCM vẫn có hiện trạng giáo viên tìm cách chê bai chữ viết, cách làm toán của HS, sau đó gợi ý HS phải đi học thêm. Một phụ huynh có con đang học lớp 1 tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1), cho biết: “Con tôi về lúc nào cũng cho là cô chê thế này thế nọ, lúc chữ xấu, lúc làm toán chậm… Qua tìm hiểu, tôi được biết, cô giáo dạy con tôi cứ vào khoảng 16 giờ 30 là dẫn HS về nhà để dạy thêm. Tại trường này, nhiều lớp khác cũng tương tự”.
KHÔNG ĐƯỢC ÉP BUỘC HS
Thông tư 17 của Bộ GD – ĐT về dạy thêm – học thêm, ban hành vào tháng 5.2012 quy định đối tượng học thêm là HS có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình HS và HS học thêm. Các trường hợp không được dạy thêm bao gồm: HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh, bức xúc: “Tôi đã cấm tuyệt đối giáo viên của trường không được dạy thêm với bất kỳ hình thức nào. Nếu giáo viên lôi kéo hoặc tìm cách chì chiết HS như vầy để dạy thêm là không thể chấp nhận được. Tôi sẽ họp giáo viên và chấn chỉnh ngay”.
Tương tự, nhiều phụ huynh của Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) phản ánh giáo viên chủ nhiệm yêu cầu HS học thêm sau mỗi giờ tan học. Về vấn đề này, bà Hoàng Thúy Liễu, Hiệu trưởng, giải thích: “Nhà trường không tổ chức dạy thêm nhưng cho một trung tâm văn hóa ngoài giờ thuê địa điểm tổ chức giảng dạy vào buổi tối, giáo viên của trường tham gia giảng dạy. Hồi đầu năm, nhà trường có giới thiệu cho phụ huynh biết, hiểu và tự nguyện tham gia chứ không bắt buộc”. Tuy nhiên, chính bà Liễu cũng phải nhìn nhận: “Do có giáo viên của trường tham gia và nhà trường giới thiệu nên nhiều khi không muốn nhưng HS vẫn phải theo học, cũng không tránh khỏi tình huống có những giáo viên gây áp lực để HS theo học”. Trước thực trạng này, bà Liễu khẳng định: “Sẽ làm việc và chấn chỉnh tình trạng này với giáo viên”.
Một phụ huynh của Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) phản ánh HS lớp 11 học bán trú từ sáng đến chiều mà mới đây trường yêu cầu phải đi học thêm vào buổi tối để… luyện thi. Trường chỉ tổ chức luyện thi khối A, học phí 750.000 đồng/tháng trong khi HS này có định hướng thi khối D. Phụ huynh còn cho biết nếu không học thêm, trường vẫn trừ vào học phí đã đóng trước đó và giảm hạnh kiểm.
Ông Nguyễn Thanh Cần, Hiệu phó Trường THPT dân lập Ngô Thời Nhiệm, giải thích: “Nếu tổ chức luyện thi cho HS các lớp thì không phù hợp vì trình độ HS chênh lệch nên trường chỉ nhắm đến một số em có đủ trình độ. Ngoài ra phân hiệu cũng tổ chức ôn thi khối A, nếu HS không ôn khối này thì đăng ký vào học các lớp phụ đạo”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ở cấp tiểu học, chúng tôi tuyệt đối nghiêm cấm giáo viên không được dạy thêm với bất kỳ hình thức nào. Đối với các cấp học khác, nếu giáo viên có dạy thêm, cần phải đăng ký và xin phép ban giám hiệu trường. Nhưng nếu phát hiện có tiêu cực trong dạy thêm, hoặc giáo viên tìm cách chèo kéo HS, Sở sẽ kỷ luật ngay”.
Thương Ngọc đã bình luận
Trường Tiểu học Điện Biên, cô giá lớp 1 cũng nhắn tin đề nghị cho học sinh đi học để…chắn chắn kiến thức ??? Không biết lớp 1 cần phụ đạo những gì để nắm vững kiến thức? Không cho đi thì con bị phân biệt, đối xử. Cho con đi thì không biết phải đưa đón thế nào vì không có người và không có thời gian. Thà rằng nếu cô thiếu thốn cứ nói thẳng để hỗ trợ, đừng làm khổ nhau thế này.