Trong nhiều gia đình, không hiếm gặp “hiện tượng” con “bám” bố hơn mẹ. Vì sao lại như vậy?
Một số thực nghiệm khoa học đã phát hiện ra rằng em bé trong bụng mẹ rất thích nghe giọng nói của bố. Mỗi khi bố cất tiếng hát và khẽ chạm vào bụng mẹ, bé sẽ tạo ra một chuyển động giống như “lắc” khẽ thân mình để biểu thị sự thích thú và… hài lòng.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên nếu sau khi chào đời, có những lúc bé khóc ré lên mà mẹ không thể nào dỗ được thì chỉ cần bố hát bài đã hát cho bé nghe khi còn trong bụng mẹ và vỗ vỗ nhẹ là bé sẽ nín khóc hoặc ngủ ngoan.
Đứng dưới góc độ khoa học, các chuyên gia tâm lý trẻ em của trường Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) đã “giải mã” như sau: khi còn là một bào thai, bé “dị ứng” với các âm thanh cao, sắc vì nó thường làm tăng nguy cơ động thai, trong khi đó bé lại rất có cảm tình với các âm thanh trầm ấm, ngữ điệu thong thả. Giọng nói của bố rất phù hợp với ý thích này của bé. Các chuyên gia tâm lý khuyên các ông bố nên “tranh thủ” điều này để xây dựng mối quan hệ thân thiết, gắn bó với con ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Hàng ngày được nghe bố nói chuyện với mình, thông qua thính giác và xúc giác, bé sẽ cảm nhận được trên thế giới này không phải chỉ có mỗi mình mẹ và mình mà còn có cả bố, hơn nữa tình cảm của bố cũng rất ấm áp và hình như bố còn cưng nựng mình hơn… mẹ. Cảm nhận này rất có lợi cho sự phát triển tâm lý, tình cảm của bé.
Các ông bố nên chăm chỉ trò chuyện với con từ khi bé còn trong bụng mẹ để tăng cường sự gắn kết. (Ảnh minh họa)
Một lợi ích nữa đến từ việc trò chuyện hàng ngày giữa bố và em bé là mẹ cũng rất vui vẻ, tâm lý thoải mái, cảm thấy yêu chồng, yêu con nhiều hơn nữa. Sự nối kết tâm lý giữa bố mẹ và bé trong bụng vô hình chung đã tạo nên một bầu không khí gia đình rất đầm ấm và hạnh phúc. Đây có thể coi là một môi trường giáo dục lý tưởng giúp bé cảm nhận được hạnh phúc, suy nghĩ tích cực và luôn muốn hướng thiện, làm những việc tốt khi bé lớn lên.
Các chuyên gia tâm lý cũng gợi ý một số chủ đề hấp dẫn để bố không chỉ trò chuyện mà còn chơi đùa được với bé, như: “Con gái yêu, bàn tay của con đâu nhỉ? Giơ lên cho bố nắm một cái nào!” hay: “Con yêu, chân con đang ở đâu đấy? Đạp nhẹ chỉ chỗ cho bố nhé”, “Cu Tí của bố ơi, hôm nay mẹ vừa ăn cháo đậu đen đấy. Con có thấy ngon không?”, “Hôm nay con thích nghe bố hát bài nào?”… Nếu đã thống nhất đặt tên (tên thân mật ở nhà hoặc tên khai sinh), bố cũng nên gọi luôn để bé nhớ và cuộc trò chuyện trở nên gần gũi hơn.
Làm được như vậy, sau khi bé chào đời sẽ rất thân thiết và yêu bố. Không những thế, tư duy và năng lực của bé cũng có thể phát triển ở trình độ cao hơn các bạn cùng độ tuổi. Hy vọng sau khi biết được “bí mật” thú vị này, các ông bố sẽ có thêm động lực và hứng thú để chăm chỉ trò chuyện hàng ngày với bé.