Dù con vẫn chưa thể nói, bằng bản năng của một người mẹ, chẳng lẽ ta không thấy được nỗi hoảng loạn của con khi đi nhà trẻ.
Dẫu biết rằng để yêu thương một ai đó là điều rất khó, còn ghét bỏ thì thật giản đơn, nhưng đó là đối với những người đã trưởng thành. Còn đối với những đứa trẻ ngây thơ, vô tội, chỉ cần nhìn gương mặt bé bỏng, dù là xa lạ cũng làm dấy lên trong ta một tình thương khó tả… Vậy tại sao những người được bọn trẻ gọi là “cô giáo” lại nhẫn tâm hành hạ các bé đến như vậy? Là một người mẹ, tôi thật đau xót khi phải đi tìm câu trả lời cho điều đó!
Chuyện 2 cô giáo bạo hành các trẻ những ngày qua chẳng những gây nên sự căm phẫn tột cùng của công chúng mà cả sự hoảng sợ của các bậc làm cha làm mẹ. Tôi thấy mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của một bà mẹ trong bài viết Con mầm non bị đánh: mẹ đáng trách.
Là một phụ huynh, thay vì bàng hoàng khi nhận ra con mình chính là nạn nhân của những trò bạo hành vô đạo đức đó, bạn đã bao giờ tự vấn rằng, bạn đã cố gắng bảo vệ con tránh xa những điều đó chưa? Bạn có thể gợi mở tâm tư cho con sau những ngày gởi con đến trường thay vì chỉ biết đưa đi – đón về, mặc định rằng con ổn, ai cũng yêu thương con? Bạn có thể nhận ra nỗi sợ hãi trong lòng con mỗi khi được đưa đến cổng trường, cửa lớp qua những tiếng khóc ngặt ngặt không muốn vào vòng tay cô giáo. Bạn có thể hiểu con hoảng sợ đến thế nào khi nhắc đến “cô, trường” dù rằng con chưa thể nói nhưng trong tâm trí non nớt của con, nỗi hoảng loạn đó vẫn tái đi tái lại mỗi sáng phải đi “lưu đày”… Chỉ vì bạn chưa bao giờ để ý thôi!
Còn nếu phải đi lý giải vì sao họ chọn công việc giữ trẻ khi trong lòng không hề có chút yêu thương đối với những đứa trẻ xa lạ hằng ngày họ phải chở che, bảo bọc và chăm sóc thì có lẽ đó là nhu cầu mưu sinh. Cơm áo gạo tiền đối với chúng ta là gánh nặng rất lớn, và họ cũng phải chọn nó không vì lòng yêu nghề, mến trẻ, mà vì để có được một bữa cơm. Với một công việc chỉ cần kiếm tiền, họ không cần dùng cả tâm hồn hay đặt vào đó yêu thương. Vậy nên, trước khi oán trách vì sao họ có thể đối xử tàn tệ với những đứa trẻ vô tội thay vì yêu thương, nâng niu các cháu thì hãy yêu thương con mình trước bằng tất cả tấm lòng của người làm cha, làm mẹ dẫu rằng bạn có muôn vàn khó khăn và lý do để đổ “tại nghèo, tại bận, tại cơm áo gạo tiền, tại cô tỏ ra quá thương yêu con…”.
Quan tâm con nhiều hơn, chú ý đến thể chất và những lời bi bô của con hay thậm chí là phản ứng của con khi đến trường cũng sẽ cho người mẹ những linh cảm đối với chuyện chẳng lành xảy ra cho con. Chỉ cần vài ngày từ trường về thôi, bạn đã có thể phát hiện ra con có vết bầm, xước, tổn thương nào trên cơ thể hay không. Chỉ cần vài câu hỏi thôi, và dù con vẫn còn bi bô chưa thể nói đi nữa, bằng bản năng của một người mẹ, chẳng lẽ bạn không phát hiện được ra nỗi hoảng loạn của con?
Đâu phải “vứt” con vào trường như một cái máy, cả năm sau mới chết đứng vì con mình luôn bị hành hạ trong gần ấy thời gian! Đâu phải cứ nghĩ đã có người chăm con mỗi ngày thì mặc nhiên con được trải qua thời gian chăm sóc đàng hoàng khi ở trong tay người xa lạ như mình hằng mong. Một chút thời gian thôi, đâu có cần phải là người thảnh thơi, giàu sang tiền muôn bạc tỉ mới có thể dành cho con những điều đó…Nếu bảo vì bận kiếm tiền để cho con miếng cơm mà quên đi việc cho con sự quan tâm và tình thương, liệu có là hợp lý, có đáng cảm thông? Đẻ con ra, nuôi đâu đã đủ, cần dạy con nữa. Đôi khi nó thiếu đi miếng thịt nhưng sẽ hạnh phúc hơn nhiều lần vì có mẹ quan tâm lo lắng, đến trường có cô giáo yêu thương. Tuổi thơ cũng không vì thế mà trở nên ám ảnh. Vì chúng ta là người làm cha, làm mẹ, thế nên hãy yêu thương và bảo bọc con mình trước những sóng dữ, sự tha hóa đạo đức, nhân cách của cuộc đời rối ren này.
Với những người mang danh “cô giáo” nhưng đành lòng dùng đòn roi tra tấn, hành hạ những đứa trẻ ngây thơ, non nớt, hãy để thời gian còn lại của cuộc đời họ tự sám hối. Có lẽ một lúc nào đó, khi trở thành cha, mẹ họ sẽ lại ăn năn tột cùng với những gì hôm qua mình đã gieo. Cuộc sống rất công bằng, cho gì sẽ nhận lại được điều đó. Với tấm lòng của người mẹ, tôi tin là như vậy.