Nếu vì một lý do nào đó mà mẹ chưa thể có con được ngay nhưng lại lo sợ khả năng sinh sản sẽ suy giảm khi tuổi ngày càng cao thì có thể áp dụng phương pháp trữ phôi đông lạnh và đưa vào tử cung bất cứ lúc nào. Hãy cũng khám phá quy trình chuyển phôi dự trữ vào tử cung mẹ nhé!
Kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh là gì ?
Phôi đông lạnh là khái niệm để nói đến những phôi được trữ lạnh sau quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thay vì đưa vào cơ thể mẹ. Chuyển phôi trữ lạnh được thực hiện sau chu kỳ chuyển phôi tươi thất bại hay vì lý do nào đó không thể chuyển phôi tươi.
Có nhiều lý do dẫn đến hoãn chuyển phôi tươi, trữ lạnh phôi toàn bộ, để chuyển phôi trữ lạnh sau đó. Các lý do thường gặp bao gồm: nguy cơ quá kích buồng trứng, nội mạc tử cung mỏng, tử cung nhiều nhân xơ có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi (phôi không thể bám vào buồng tử cung)…
Trước khi chuyển phôi trữ lạnh cần đảm bảo một số yếu tố như: lòng tử cung bình thường, nếu nhiều nhân xơ có thể tiến hành phẫu thuật bóc nhân xơ trước khi chuyển phôi. Bước quan trọng nhất trong chu kỳ chuyển phôi trữ là chuẩn bị nội mạc tử cung (NMTC), đảm bảo NMTC đủ độ dày cần thiết và chất lượng tốt, để tạo thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi sau khi đặt vào buồng tử cung.
Sau khi thấy NMTC đã đủ độ dày cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành bổ sung progeterone và ấn định ngày chuyển phôi phù hợp với thời gian thuận lợi cho phôi bám vào tử cung và phát triển. Thời gian sử dụng progesterone tùy thuộc vào giai đoạn của phôi được chuyển. Ví dụ:
– Nếu phôi được trữ lạnh vào ngày tuổi thứ 2, progesterone sẽ sử dụng 2 ngày trước khi chuyển phôi.
– Nếu phôi được trữ lạnh vào ngày tuổi thứ 3, progesterone sẽ sử dụng 3 ngày trước khi chuyển phôi.
Khi NMTC đã được chuẩn bị tốt, tỷ lệ thành công còn phụ thuộc vào chất lượng và số phôi sau khi rã đông. Tỷ lệ thành công khi chuyển phôi trữ lạnh thường thấp hơn phôi tươi, tuy nhiên có một số nghiên cứu lại cho thấy không khác biệt. Trẻ sinh ra từ phôi trữ lạnh hoàn toàn bình thường như chuyển phôi tươi hoặc trẻ sinh tự nhiên.
Các bước chuyển phôi đông lạnh dự trữ vào tử cung
Chuyển phôi đông lạnh dự trữ vào tử cung được thực hiện qua các bước sau:
– Đông lạnh phôi.
– Chuẩn bị nội mạc tử cung.
– Rã đông phôi.
– Chuyển phôi dự trữ vào buồng tử cung.
Sau khi cho người bệnh dùng thuốc chuẩn bị nội mạc tử cung, các bác sĩ tiến hành rã phôi đông lạnh để chuyển trở lại buồng tử cung cho bệnh nhân. Theo các chuyên gia, sau khi rã phôi, 3 trong 4 phôi vẫn còn sống nguyên vẹn. Chúng được nuôi cấy và chuyển vào tử cung bệnh nhân. 14 ngày sau, xét nghiệm máu xác định thành công hay không.
Khi nào phôi có thể được đông lạnh?
Phôi có thể được đông lạnh khi:
– Ở giai đoạn 16 giờ trước khi trứng đã thụ tinh bắt đầu phân chia (giai đoạn tiền nhân).
– Phôi đã phân chia rõ rệt thành 2 đến 4 tế bào (giai đoạn phân chia sớm). Đông phôi ở giai đoạn phân chia có 1 số hạn chế trong việc đánh giá sự phát triển của phôi.
– 5 ngày sau khi thụ tinh (giai đoạn phôi nang). Phôi được nuôi cấy từ 5 đến 6 ngày sẽ có thể có những đánh giá chính xác nhất về khả năng sống của phôi, từ đó những phôi có khả năng sống cao hơn sẽ được đông lạnh ở giai đoạn này.
Hiện nay, đa số trường hợp, phôi sẽ được đông lạnh ở giai đoạn đầu phân chia. Trong trường hợp này, tất cả các phôi sẽ được nuôi cấy và 2 phôi tốt nhất sẽ được chuyển vào cơ thể mẹ. Nếu có từ 2 phôi trở lên đều đạt chất lượng tốt, chúng có thể được đông lạnh để sử dụng sau này.
Đông lạnh phôi ở giai đoạn tiền nhân cũng có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra quá kích buồng trứng và việc cấy phôi tươi vào tử cung là không thích hợp.
Đông lạnh phôi trong thời gian dài có ảnh hưởng đến chất lượng phôi không?
Không có bằng chứng nào về việc chất lượng phôi sẽ bị ảnh hưởng sau thời gian đông lạnh dài. Bất kỳ sự tổn hại nào xảy ra, nếu có, sẽ xảy ra trong giai đoạn làm lạnh phôi tới nhiệt độ đông hoặc trong giai đoạn làm ấm phôi đến nhiệt độ cơ thể.
Sau khi trứng được thụ tinh, trứng có thể phát triển trong môi trường nuôi cấy của phòng thí nghiệm từ 5 đến 6 ngày.Việc trữ đông phôi có thể được thực hiện trong tất cả các giai đoạn phát triển phôi. Chưa có nghiên cứu rõ ràng nào chỉ ra giai đoạn nào là giai đoạn tốt nhất cho việc đông lạnh phôi.
Nếu phôi được đông lạnh ngay lập tức sau khi thụ tinh (giai đoạn tiền nhân), khả năng sống của phôi sau khi rã đông sẽ rất cao. Tuy nhiên, vì phôi không được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ ban đầu thì không thể dự đoán khả năng sống của phôi nên khi phôi được rã đông, phôi phải được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như quy trình thông thường. Do không thể dự đoán có bao nhiêu phôi sau khi rã đông sẽ phát triển tốt nên sẽ phải rã phôi đông nhiều hơn số lượng cần.
Kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh có ưu thế gì?
Giai đoạn chuẩn bị cho chuyển phôi đông lạnh sử dụng ít thuốc hơn và có thể sẽ dễ dàng hơn so với quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Các loại thuốc (các loại hormon) vẫn cần thiết sử dụng để hỗ trợ phát triển niêm mạc tử cung, chuẩn bị cho việc nhận phôi.