Đồng hành cùng niềm hạnh phúc đón con yêu chào đời, nuôi con lớn từng ngày, ngọt ngào giây phút ngắm con tu ti… luôn luôn đánh đổi bằng sự hy sinh rất lớn của người phụ nữ.
Không thể không kể ra đây sự hy sinh về nhan sắc và sức khỏe. Sau ca sinh nở, chắc chắn không mẹ nào dám “hênh hoang” rằng “tôi khỏe hơn” mà hầu hết các mẹ đều kêu ca mình gặp phải triệu chứng đau lưng, đau hông, mỏi gối… Không chỉ có thế, các mẹ cũng phải can đảm lắm mới quyết định sinh con bởi phụ nữ đẻ xong như ‘già đi 5 tuổi’. Sau khi sinh con, mẹ đã có thêm vài vết nhăn trên trán. Những đêm thức trắng trông con khiến mẹ mệt mỏi và làn da cũng sạm đi trông thấy… Và đâu chỉ là những biểu hiện bên ngoài đấy, mỗi lần con tu ti bầu sữa mẹ là một lần ngực mẹ thêm chảy xệ, da mẹ thêm rạn và không chừng còn khiến chúng bị lệch pha nhau…
Những triệu chứng ở ‘núi đôi’ chắc chắn mẹ chẳng thể bày tỏ cùng ai nhưng đó là nỗi buồn muôn thuở, là sự hy sinh lớn lao của mẹ.
Núi đôi chảy xệ sau sinh
Ngay từ những ngày đầu có thai, ‘núi đôi’ đã thay đổi đến chóng mặt. Ban đầu là cảm giác đau nhức, tiếp theo, núi đôi sẽ lớn dẫn khiến mẹ dễ dàng cảm nhận được và phải thay đổi áo ngực chuyên dụng dành cho phụ nữ mang thai. Tất cả những thay đổi này nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình tiết sữa sau khi bé chào đời. Những thay đổi chỉ đơn giản thế thôi nhưng sau khoảng 1 năm nuôi con bằng sữa mẹ, sau khi cai sữa, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra ngực mình bị chảy xệ đáng kể. Không ít chị em “tá hỏa” vì không thể tưởng tượng được mức độ thiệt hại của núi đôi sau thời gian cho con bú.
Chị em cần biết rằng, nguyên nhân khiến núi đôi chảy xệ sau sinh là do vòng một không có cơ bắp hay dây chằng mà chỉ bao gồm các mô mỡ. Khi mang thau và sau sinh, các ống dẫn sữa phát triển khiến ngực giãn nở, căng tức. Việc ngực bị căng sữa liên tục có thể dẫn đến bị biến dạng nhất là chảy xệ sau cai sữa. Đây là hiện tượng hết sức bình thường mà các mẹ phải chấp nhận. Mẹ nào càng nhiều sữa và cho con bú với thời gian kéo dài thì núi đôi càng chảy xệ hơn.
Bên to bên nhỏ – chuyện thường
Trong thời gian cho con bú, rất nhiều mẹ có quan niệm sai lầm là càng bên nào có nhiều sữa thì cho con bú nhiều hơn. Chính điều này đã khiến hai bên ngực của mẹ bị mất cân đối, bên không được cho con bú nhiều sẽ dần teo đi và bên bé bú nhiều hơn sẽ càng to lên. Sau khi cia sữa, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra núi đôi của mình bỗng dưng bên to bên nhỏ.
Để hạn chế nguy cơ này, mẹ cần ghi nhớ khi cho con bú phải cho bú đều. Bú hết một bên trong một cữ ăn rồi chuyển sang bên kia. Tuyệt đối nhớ không nên vì thuận tay bên này hay do ngực một bên nhiều sữa, một bên ít sữa mà cho con bú không đều.
Rạn da ngực
Rạn da ngực là triệu chứng phổ biến trong cả thai kỳ và sau sinh. Chị em biết rằng, ngay từ những ngày đầu mang thai, núi đôi của chúng ta đã thay đổi đáng kể, chúng đau nhức, to dần. Sau khi sinh nở, núi đôi còn phát triển mạnh mẽ hơn do sự xuất hiện của các ống dẫn sữa. Việc núi đôi to lên nhanh chóng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng rạn da ngực. Ngoài rạn da ngực, mẹ bầu còn phải đối mặt với triệu chứng rạn da bụng, đùi, mông.
Để hạn chế tình trạng này, trong quá trình mang thai, các mẹ không nên để cân nặng tăng không kiểm soát. Tăng quá nhiều cân trong thai kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến mẹ bị rạn da. Ngoài ra, trong thời gian cho con bú, mẹ nên ngồi thẳng lưng, không để con kéo ngực quá mạnh sẽ khiến làn da càng dễ rạn hơn.
Biện pháp
Nhằm hạn chế tất cả những biến đổi không mong muốn trên, các mẹ có thể tập các bài tập thể dục giúp vòng 1 săn chắc hơn. Sau sinh nở, mẹ cũng nên chọn phương pháp giảm cân từ từ vì trọng lượng mất đi quá nhiều trong thời gian ngắn chính là căn nguyên dẫn đến tình trạng ngực nhỏ, chảy xệ. Chị em cũng cần áp dụng chế độ ăn uống điều độ, giảm lượng chất béo động vật, ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám, đậu, rau xanh, dầu ô liu và trái cây tươi giàu vitamin B, E giúp duy trì độ đàn hồi cho da; tắm vòi sen nóng hay lạnh cũng là cách hiệu quả để cải thiện vòng 1, vì áp lực nước và nhiệt độ giúp massage cơ thể, cải thiện lưu thông huyết mạch và làm vòng 1 săn chắc hơn.