Theo bác sĩ Minh Tân (BV Nhiệt đới Trung ương), các mẹ nên cẩn trọng khi sử dụng hạt/ lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
Hiện nay bệnh sởi đang có những diễn biến phức tạp, nhiều thông tin ngoài luồng khiến dư luận hoang mang. Trên các diễn đàn và các hội nhóm dành cho bà mẹ, trẻ em, chị em đang rỉ tai nhau vô số những mẹo để phòng và chữa sởi cho con, trong đó có việc sử dụng hạt/ lá mùi già cho con tắm.
Vậy phương pháp này thật sự có tác dụng như các mẹ đang truyền tai nhau? Sau đây cuộc trao đổi với bác sĩ Minh Tân (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương):
– Thưa bác sĩ hiện nay dịch sởi đang có chiều hướng gia tăng, đứng trước thực trạng này nhiều bà mẹ truyền tai nhau cách phòng tránh bệnh sởi cho con bằng phương pháp tắm hạt/ lá mùi, việc làm này có đúng không?
BS Minh Tân: Từ xa xưa ông bà ta vẫn hay dùng lá mùi thơm để tắm hoặc xông hơi chống mệt mỏi, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe, cơ thể luôn toả mùi hương. Mỗi khi tắm bằng lá mùi hay hạt mùi người chúng ta nóng và toát mồ hôi sau khi tắm nên da chúng ta được sạch hơn, giúp tiêu diệt vi khuẩn, nên phần nào cũng có tác dụng phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Nhưng đây không phải loại thuốc chuyên biệt để phòng sởi cho con.
– Nhiều người cho rằng khi con đã mắc sởi, để nốt sởi lên nhanh và lặn nhanh thì nên tắm hạt/ lá mùi, bác sĩ nghĩ sao về điều này?
BS Minh Tân: Điều này không đúng vì chưa có cơ sở khoa học. Bởi sởi là một dạng bệnh do vi rút gây ra, nó lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng… Bệnh này cần có thuốc và phương pháp điều trị. Chúng ta chỉ tắm hạt/ lá mùi để cho da sạch sẽ, chống viêm nhiễm chứ không có chức năng chữa bệnh. Chưa kể đến những trẻ có cơ địa nhạy cảm, dị ứng với hạt mùi thì các bậc phụ huynh đã vô tình đem bệnh dị ứng đến cho con mà không biết. Vì vậy nếu muốn tắm lá mùi cho bé, mẹ nên thử trên một vùng da nhỏ trước khi tắm toàn thân cho con.
– Theo bác sĩ khi trẻ bị sởi có cần kiêng tắm, kiêng gió không?
BS Minh Tân: Điều này thì đều có 2 mặt đúng và chưa đúng bởi hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhất là ở miền Bắc thời gian trước khí hậu lạnh vì thế những trẻ bị ốm hay những trẻ bị sởi mà tắm với điều kiện phòng không kín sẽ gây cho trẻ dễ nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi. Kể cả với trẻ khỏe mạnh mà tắm khi phòng có gió lùa thì bị nhiễm lạnh cũng rất dễ dẫn đến viêm phổi.
Nếu đảm bảo được các điều kiện tốt khi tắm cho trẻ như: phòng kín, không có giò lùa, nhiệt độ phòng ổn định, nước đã được đun sôi để nguội thì chúng ta nên tắm cho con kể cả khi trẻ bị bệnh sởi. Vì tắm sẽ giúp cho cơ thể sạch sẽ, da được thông thoáng hạn chế được tình trạng viêm nhiễm. Lưu ý, nên tắm thật nhanh và khi các nốt ban đã nổi thì nên kiêng tắm vì dễ biến chứng, chỉ dùng khăn và nước sạch lau rửa, vệ sinh cho bé. Các mẹ nhớ giữ vệ sinh đặc biệt cho bé ở những vùng như: mắt, mũi, miệng, hậu môn..
Bệnh sởi diễn biến thất thường khiến nhiều trẻ tử vong đã làm các mẹ đứng ngồi không yên.
– Bác sĩ có khuyến cáo gì để phòng tránh bệnh sởi?
BS Minh Tân: Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nhà ở và đồ chơi của bé. Trong thời điểm này, mẹ cần hạn chế cho con đến những nơi đông người.
Ngoài ra, mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đây đủ dinh dưỡng cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin, nhất là vitamin A – rất tốt cho những trẻ đã mắc sởi để bảo vệ đôi mắt của trẻ, tránh những biến chứng do sởi gây ra.